Thời tiết ngày càng trở nên khó tính.

Mai vàng của Huế, một loại hoa được trân trọng gọi với một cái tên thể hiện sự tôn vinh của người trồng, người chơi hoa, người thưởng thức là hoàng mai. Những năm qua, hoàng mai rất ít khi nở đúng dịp.

Gần cuối năm ngồi ngẫm nghĩ cũng thấy tiếc cho những đổi thay. Cuộc sống ngày càng thay đổi với tốc độ nhanh hơn. Nhiều giá trị mới được tạo ra, làm cho đời sống con người sung sướng hơn. Và nhiều giá trị cũ bị mất đi. Nó chỉ còn là ký ức. Nhưng chính ký ức mới là cái làm cho con người ta nhớ. Có lẽ càng lớn tuổi, những giá trị vật chất không phải là cái quan trọng nhất nữa thì những hoài niệm là lúc trở về. Cánh đồng lúa trước mặt. Luống cải trước nhà được chăm bón để muối dưa ăn ba ngày tết… Có phải vậy không mà người ta hay dùng hai chữ “ngày xưa”, mặc dù chỉ mới cách vài mươi năm.

Tôi ngồi đọc một bài viết nói về quản lý quỹ thời gian mà thấy hay quá. Thời gian là cái duy nhất không thể lấy lại trong một đời người. Cái nghịch lý là con người ta bao giờ cũng muốn làm được nhiều việc hơn nữa trong một quỹ thời gian nhất định. Nhưng khi làm được như vậy thì thấy quỹ thời gian ngày càng eo hẹp hơn. Đây chính là lúc con người ta mới tìm ra “giá trị cốt lõi” mà mình mong muốn hướng đến. Không có giá trị cốt lõi thì không làm cho người ta thoả mãn, và chưa chắc là đã có niềm vui.

Một ngày cận tết năm ngoái, tôi muốn tết năm nay có một thay đổi nào đó nơi phòng khách. Nơi được đặt một chiếc bình sứ “bách hoa” mà anh bạn tặng cách đây nhiều năm. Năm nào tôi cũng chọn hoa, thường là những loại hoa dân dã để cắm vào chiếc bình này. Tôi chưa bao giờ được chơi mai vàng của Huế. Đơn giản là nó quá đắt đối với tôi. Lương công chức ba cọc ba đồng. Dịp tết là bao nhiêu thứ phải lo mà giá cả mọi thứ đều trở nên đắt đỏ. Nên chuyện mua hoa nhiều tiền cũng hết sức đắn đo.

Tự nhiên tôi lại chọn mua một cành mai vàng của Huế, nơi trước Đàn Nam Giao. Năm ngoái cận tết thời tiết cũng lành lạnh như thế này. Cành mai hoa nhiều, cắm vào chiếc bình “bách hoa” ưng ý.

Những ngày tết tháng xuân trôi qua, cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Dù chỉ là cành nhưng khi hoa rụng thì lộc non vẫn nhú. Một nguồn năng lượng tưởng chừng như được cấp từ trong lòng đất chứ không phải là chỉ có nước trong bình. Một năng lượng nội sinh mạnh mẽ mà lần đầu tiên tôi được thấy và cảm nhận từ hoàng mai.

Và tôi đã cảm nhận về một sự sai lầm trong việc lựa chọn mua hoa của mình. Tôi cứ lần lữa mãi. Cứ định nhổ cành mai đi nhưng rồi không nỡ. Khi chạm tay vào cành mai, tôi có cảm giác như mình đành lòng vứt bỏ những chồi non. Sự lần lữa kéo dài trong cả hàng tháng trời.

Nếu tôi không mua thì cũng có người khác chọn mua cành mai này. Và không phải chỉ năm nay mà có thể sẽ còn nhiều năm nữa, những cành mai như thế sẽ được cắt từ một góc vườn nào đó để bán đi. “Cơm áo không đùa với khách thơ” huống chi là những người dân quê mộc mạc và dáng người lam lũ. Gì thì gì tết cũng phải gắng có tiền.

Sự lần lữa trong cảm giác vứt bỏ một nhành mai, tôi đã biết rằng những chồi non kia đã chạm vào trái tim tôi. Cái đời sống tinh thần đã trở nên rất quan trọng đối với tôi, một người đã ngoài “ngũ thập”. Và tôi hứa với mình, trong đời sẽ không bao giờ chọn mua mai cành nữa.

Nguyên Lê