Tỷ lệ khách chọn Huế đang ít hơn
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, năm 2018, du lịch Huế đón khoảng 4,3 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 1,95 triệu lượt, tăng 30%. Khách lưu trú đạt 2,09 triệu lượt, tăng 13,1%; doanh thu từ du lịch ước đạt 4.473 tỷ đồng. Hàn Quốc chiếm thị phần khách lớn nhất đến Huế với 29,3%; sau đó lần lượt đến Pháp 9%; Thái Lan 6,6%; Anh 6,1%; Mỹ 5,9%; Đức 5,3%; Úc 4,3%...
Nhìn vào những con số trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel đánh giá, Huế đang lãng phí về nguồn thu từ mức chi tiêu của khách. Khách đến Huế đạt gần 4,4 triệu lượt, đây là con số thật vì được chứng minh từ số vé bán ra của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tuy nhiên lưu trú chỉ đạt 45% là quá thấp. Khách đến Huế đang bị “trượt ván”, chỉ ở lại một đêm, nên nguồn thu chỉ đạt 4.473 tỷ đồng. Nếu con số lưu trú tăng lên tương ứng với tăng trưởng lượng khách khi đến Huế, nguồn thu sẽ tăng lên rất nhiều.
Du khách đến Huế trong năm 2018 đạt khoảng 4,3 triệu lượt, trong ảnh: Khách tham quan Đại Nội
Một phần lý do là Huế thiếu dịch vụ vào ban đêm. Đối với khách du lịch, mức chi tiêu vào ban ngày chỉ chiếm khoảng 30%, còn vào ban đêm chiếm đến 70%. Khi thiếu sản phẩm, du khách dù muốn tiêu tiền cũng không biết tiêu bằng cách gì khi ở Huế.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Huế đang tập trung vào các thị trường quốc tế, mà ít chú trọng đến khách nội địa; trong khi đó, mức chi tiêu của khách nội địa vẫn cao. Qua quá trình theo dõi tour của Vietravel, khi đến miền Trung, tỷ lệ khách chọn Huế đang ít hơn so với một số điểm lân cận. Huế cần tăng cường kích cầu khách vào hai thời điểm quan trọng nhất trong năm là vào khoảng tháng 4, thời điểm chuẩn bị nghỉ hè của học sinh và trước Tết Nguyên đán để thu hút khách.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Thiên Định cho rằng, xét về số lượng khách, năm 2018 là năm tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều năm qua của Huế. Tuy nhiên, Huế chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của mình; chưa có thương hiệu quốc tế lớn đến đầu tư, đây là tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển; sản phẩm chưa có tính đột phá, sáng tạo, chưa có sức hút so với các địa phương khác; thiếu những sản phẩm cao cấp, có quy mô lớn, chẳng hạn như nếu có đoàn khách tàu biển 1.000 khách đến Huế sẽ không biết ăn ở đâu, đó là vấn đề cụ thể dễ dàng nhận thấy mà Huế cần khắc phục.
Các đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, Huế có thể xây dựng sản phẩm liên quan về giáo dục, gắn kết với lịch sử, di sản. Nếu Huế tạo ra sản phẩm và khai thác tốt, có thể lan tỏa để các địa phương khác khi tổ chức chương trình ngoại khóa lịch sử cho học sinh, Huế là bắt buộc phải đến.
"Phải thay đổi cách làm, cách nghĩ mới"
Ông Nguyễn Quốc Kỳ góp ý, bên cạnh tập trung khai thác sản phẩm thế mạnh văn hóa di sản, Huế cần tập trung phát triển sản phẩm hướng về nghỉ dưỡng và đặc biệt là những giải phẩm mang tính giải trí. Đối với xu hướng phát triển, bài toán giữ bản sắc luôn phải đặt ra, nhưng không thể không phát triển sản phẩm vui chơi giải trí, Huế không thể 8h tối đã đi ngủ.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu, trong định hướng “mỗi năm xây dựng một sản phẩm”, năm 2017 là sản phẩm phố đi bộ Chu Văn An – Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu; năm 2019 là cầu đi bộ trên sông Hương và phố đi bộ dọc sông Hương, còn riêng năm 2020, chưa thấy ngành du lịch có kế hoạch và định hướng xây dựng. Do đó, Sở Du lịch cần nghiên cứu trong năm 2020 sẽ xây dựng sản phẩm gì, tham mưu để UBND tỉnh chuẩn bị, có sự đầu tư vốn phù hợp.
Huế cần xây dựng các sản phẩm hấp dẫn hơn để thu hút, giữ chân được khách
Ông Phan Thiên Định nhấn mạnh, nhiệm vụ phát triển du lịch là của cả tỉnh và ngành vì đây là ngành kinh tế tổng hợp. Đối với các ngành khác khi tham mưu lên thì chỉ liên quan đến các vấn đề mà ngành đó quản lý, sẽ thiếu sự tổng hợp, không phù hợp với nhu cầu của du lịch đang cần. Ngành du lịch là đầu tàu trong phát triển nên phải có trọng trách tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để có sự điều hành, điều chỉnh phù hợp. “Ngành du lịch phải chủ động tham mưu, chứ không đơn giản là “có gì làm đấy” nữa, phải thay đổi cách làm, cách nghĩ mới giúp du lịch thay đổi”, ông Phan Thiên Định yêu cầu.
Song song với phát triển du lịch, các đại biểu cho rằng, Huế cần bắt tay vào xây dựng đô thị du lịch Huế, một đô thị văn minh. Không phải là đô thị đơn thuần mà ở đó, người dân có văn hóa, có cách ứng xử văn minh, sẵn sàng phục vụ khách.
Năm 2019, ngành du lịch tiếp tục được định hướng phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Huế - Kinh đô của lễ hội và ẩm thực. Trọng tâm năm 2019 xây dựng và bước đầu triển khai một số hạng mục của Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”; đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ của dự án hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch và phát triển du lịch địa phương. Ngành du lịch phấn đấu trong năm 2019 đạt từ 4,5- 4,7 triệu lượt khách đến Huế, tăng khoảng 8% so với năm 2018. |
Bài, ảnh: Đức Quang