Những tờ rơi như thế này nhan nhản trên các bức tường. Ảnh: Internet

Với lãi suất không cố định từ vài chục phần trăm, đến hàng trăm, thậm chí như ở Cà Mau có vụ lãi suất tới 1.043%. Với mức lãi khủng khiếp như vậy thì người vay không thể trả nổi phần lãi chứ chưa nói gì đến trả vốn. Không thể trả tiền đúng hạn dẫn đến phát sinh tình trạng đòi nợ thuê của các nhóm xã hội đen. Những con nợ cùng quẫn phải bán nhà, bán đất, tha phương cầu thực; thậm chí tìm đến cái chết. Nhưng vẫn treo đó khoản nợ với gia đình, người thân.

Kỳ họp HĐND TP. Hồ Chí Minh vừa qua đã nêu vấn đề tín dụng đen thành một trong những vấn đề nghị sự của kỳ họp. Ảnh hưởng nghiêm trọng của nó cho thấy tác hại và tính cấp thiết phải sớm xóa bỏ loại tín dụng đen trái phép. Một nguyên nhân cần đề cập là quảng cáo cho hoạt động kinh doanh trái phép lại không được xử lý từ gốc. Tín dụng đen thường nảy sinh từ những chủ cầm đồ và những “doanh nghiệp” kinh doanh tiền tệ “không phép”. Các chủ nậu in quảng cáo thuê người đi rải khắp nơi, từ dúi vào xe dừng đèn giao thông, nhét vào từng nhà, đến dán quảng cáo công khai tại các bức tường, cột điện, nơi công cộng. Rõ ràng cách làm kiểu này là trái phép nhưng không thấy cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra xử lý.

Những tờ rơi như thế này nhan nhản trên các bức tường. Ảnh: Internet

Với số điện thoại buộc phải đăng ký chính chủ thì các nhà kinh doanh dịch vụ viễn thông dễ dàng truy đến nơi phát sinh quảng cáo. Nếu chưa đủ chứng cứ thì ít nhất cũng nhắc nhở, cảnh báo và bắt buộc chủ thuê bao cam kết không vi phạm. Thực tế kiểu quảng cáo này tồn tại lâu nay nhưng cơ quan quản lý viễn thông và chính quyền địa phương không có động tác xử lý. Chỉ đến khi xảy ra sự việc nghiêm trọng cơ quan pháp luật mới vào cuộc, hậu quả với xã hội là khó tránh khỏi.

Vậy tại sao chúng ta không ngăn chặn từ gốc? Với những số điện thoại thì viễn thông có thể chủ động ngừng cung cấp dịch vụ. Đó vừa là chức năng, quyền hạn, đồng thời là cách làm đơn giản nhất. Thế nhưng với quan hệ khách hàng nếu không có sự chung tay vào cuộc của lực lượng công an, chính quyền các cấp yêu cầu dỡ bỏ thì viễn thông khó có cơ sở để xác định thuê bao vi phạm để cắt liên lạc của khách hàng. Chính quyền cấp cơ sở và lực lượng công an có thể nhắc nhở và xử lý hành chính, nhưng cũng không thấy có động tác nào khả dĩ.

Ngay cả tình trạng dán giấy quảng cáo công khai, tràn lan vừa vi phạm Luật Quảng cáo, vừa mất mỹ quan đô thị nhưng ngành văn hóa, viễn thông, Ngân hàng Nhà nước đáng ra phải biết để kiến nghị, nhưng lại không thấy động thái nào, thiếu trách nhiệm chung với xã hội. Vậy nên vi phạm công khai để kéo dài, kinh doanh trái phép như đùa giỡn với pháp luật. Một thời kỳ nạn quảng cáo khoan cắt bê tông, hút hầm cầu…đã bị xử lý nên vi phạm giảm đáng kể. Với quảng cáo dịch vụ tín dụng đen tại sao chúng ta lại để ngoài vòng pháp luật? Không chỉ chờ huy động đoàn viên thanh niên đi bóc, xóa theo kiểu phong trào mà phải xóa bỏ từ gốc với nạn tín dụng đen như kiểu đã làm lâu nay.

Biết rằng xóa quảng cáo cho dịch vụ tín dụng đen cũng chỉ mới là phần nổi, nhưng kiểm soát chặt chẽ quảng cáo sẽ góp phần hạn chế dịch vụ tràn lan như hiện nay. Các cơ quan chức năng không thể làm ngơ để cho tội phạm hoạt động công khai, lộng hành, xem thường pháp luật...

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH