Vịnh Hạ Long – được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Ảnh: Khmer Times

Thành tựu đã đạt được

Về phía Campuchia, du lịch mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước, cụ thể là đóng góp hơn 10% vào thu nhập quốc dân. Thống kê của Bộ Du lịch Campuchia chỉ ra rằng, từ tháng 1 – tháng 10/2018, Campuchia đã chào đón tổng cộng 4,3 triệu du khách, mức tăng tương ứng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, thu nhập của người Việt Nam kiếm được từ ngành này cũng tăng 25%/năm, góp phần rất lớn vào những thay đổi, cải thiện rõ rệt ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Vào năm 2018, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng với khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu của dịch vụ du lịch ước đạt hơn 600 nghìn tỷ USD (26,3 tỷ USD).

Cùng với sự phát triển nhanh chóng trong du lịch, Việt Nam và Campuchia đã và đang tiếp nhận nhiều chiến lược, kết hợp với nguồn lực trong nước và các mối liên kết quốc tế nhằm thúc đẩy vai trò và lợi ích của ngành công nghiệp không khói này.

Xu hướng hội nhập và phát triển của Việt Nam và Campuchia đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai nước mở cửa, tăng cường trao đổi du khách giữa hai bên. Có thể nói, mối liên kết hợp tác Việt Nam – Campuchia đã tạo nên rất nhiều thành tựu quan trọng, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội to lớn cho cả hai nước.

Nhờ vào du lịch đường bộ, số lượng du khách Campuchia đến Việt Nam và ngược lại chứng kiến sự tăng trưởng liên tục. Thêm vào đó, hai bên cũng thương xuyên hợp tác với nhau nhằm quảng bá du lịch của quốc gia, các sản phẩm du lịch, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng trao đổi và phát triển du lịch.

Hợp tác cho tương lai

Trước những thành tựu như hiện nay, câu hỏi được đặt ra là: Hà Nội và Phnom Penh có nên thúc đẩy hợp tác trong du lịch để đưa du lịch phát triển lên một tầm cao mới hay không.

Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia cho biết có 3 lý do thúc đẩy kế hoạch này nên diễn ra bao gồm:

Thứ nhất, Phnom Penh và Hà Nội nói riêng tức Việt Nam và Campuchia nói chung là hai nước láng giềng thân thiết, có liên hệ lịch sử lâu đời, cũng như mối quan hệ giữa người với người vô cùng mạnh mẽ. Hơn nữa, sự tương đồng về văn hóa, xã hội và sắc tộc cũng là nền tảng quan trọng để 2 quốc gia mở rộng hợp tác trên nhiều phương diện, bao gồm cả hợp tác du lịch. Quan trọng hơn, sự gần gũi về địa lý giữa hai nước đã đặt nền tàng vững chắc cho hợp tác song phương trong du lịch, nhất là đi lại tương đối dễ dàng.

Thứ hai, Campuchia và Việt Nam là hai quốc gia được biết đến với di sản tự nhiên, văn hóa phong phú, hấp dẫn. Trong đó hai nước đều có các di sản được UNESCO công nhận. Cụ thể, với lịch sử 2.000 năm, Campuchia nổi tiếng với quần thể đền đài Angkor Wat, 16 di tích lịch sử, 41 địa điểm du lịch nhân tạo... Mặt khác, ở Việt Nam cũng có nhiều di sản văn hóa đẳng cấp thế giới như thành phố Huế, Phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn hay Vịnh Hạ Long – được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới...

Tiềm năng du lịch sẵn có và sự gần gũi về địa lý của hai quốc gia tạo nên cơ hội lớn để tiến đến thúc đẩy hợp tác du lịch song phương.

Cuối cùng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cả Campuchia và Việt Nam đều có thể tập trung vào hiệu quả và lợi ích mà ngành du lịch mang lại.

Bất chấp những trở ngại đang còn tồn tại, Phnom Penh và Hà Nội cần tạo điều kiện để nâng cao lợi thế của ngành công nghiệp đặc biệt này, đồng thời liên kết và phối hợp chặt chẽ với các nước trong khu vực và thế giới để tăng cường phát triển ngành công nghiệp không khói.

 Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)