Anh nghỉ hưu đã lâu nhưng bước vào nhà, tôi (và chắc không chỉ riêng tôi) có cảm tưởng như anh đang tại chức. Nhiều hiện vật, hình ảnh thời còn công tác được chủ nhà trưng bày ở phòng khách. Đầu tiên là tấm biển hình chữ nhật nền đỏ chữ vàng ghi họ tên, cấp bậc, chức vụ của anh hồi còn tại chức được đặt trang trọng trên bàn tiếp khách. Tấm biển này vốn được đặt trong các hội nghị, đại hội để người tham dự ngồi đúng vị trí được sắp xếp. Giờ nó được đặt ngay phòng khách nhà riêng cứ như để nhắc người khác nhớ cương vị công tác một thời của gia chủ. Trên tường thì chỉ toàn hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc “hoành tráng” khi anh còn làm việc; nào là ảnh giám thị trại giam đứng chống nạnh quan sát phạm nhân đang lao động, phát biểu trong các hội nghị, đứng cùng với cấp trên, nhận quyết định đề bạt, bổ nhiệm…

Giữ những hình ảnh, đồ dùng thời còn công tác để kỷ niệm là điều bình thường nhưng cứ trương ra như khoe thế, thấy cũng… kỳ kỳ. Qua đó, phần nào cho thấy tâm trạng của chủ nhà, dù đã về nghỉ nhưng chắc còn lưu luyến thời đương chức lắm. Nghe anh nói chuyện sau đó, tôi càng khẳng định cảm nhận này của mình.

Dù anh vừa trải qua cơn tai biến nhẹ, gương mặt không còn tự nhiên và giọng nói không được tròn nữa nhưng vẫn hào hứng chuyện trò. Dù khách không khơi gợi nhưng chủ nhà cứ kể những chuyện liên quan đơn vị cũ của mình. Hẳn anh phải cập nhật tình hình đơn vị cũ thường xuyên mới có những thông tin cụ thể, đa dạng như thế; mà toàn là thông tin về những điều tiêu cực. Không muốn nghe nên tôi nhắc khéo: “Cứ nghỉ cho khỏe đi anh, quan tâm ba chuyện đó làm gì thêm mệt.”.

Từ chuyện của anh bạn hàng xóm, tôi liên tưởng những chuyện tương tự từng được nghe, thấy đâu đó. Không ít thủ trưởng cơ quan cứ nói rất thanh thản, thỏa mái khi về hưu nhưng việc làm thì ngược lại. Biểu hiện thường thấy là dây dưa trong bàn giao, có khi về nghỉ đã lâu nhưng tư trang vẫn để tại phòng riêng ở nhiệm sở khiến cơ quan chưa thể sử dụng phòng đó; thậm chí rất hay đến hoặc quan tâm thái quá công việc của cơ quan cũ, cứ như thời còn đương chức; rồi còn góp ý phê bình người kế nhiệm bằng giọng cha chú… Những người như thế chắc lưu luyến chức quyền lắm. Điều này gây khó khăn, khó xử cho thủ trưởng mới và đồng nghiệp cũng như công việc của cơ quan.

Rời chức quyền nhẹ nhàng, sự nhẹ nhàng thực lòng chứ không chỉ trên lời nói, âu cũng là nét văn hóa cần có của những cán bộ có tự trọng.

Nguyễn Trọng Hoạt