Đổi mới công tác tổ chức cán bộ giúp ngành y tế tiết kiêm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Ảnh minh họa. Ảnh: PV/Vietnam+

Do đó, ngân sách nhà nước không phải chi trả khoảng 2.127 tỷ đồng/năm (trung bình lương mỗi người 6 triệu đồng/tháng).

Bộ Y tế sẽ rà soát, chuyển giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Trung ương đóng trên địa bàn các tỉnh về cho Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý, Bộ chỉ quản lý một số bệnh viện đầu ngành là cơ sở thực hành của các trường đại học y dược và một số bệnh viện chuyên khoa đặc biệt. Dự kiến, trong thời gian tới, Bộ Y tế chỉ quản lý trực tiếp 20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Đối với y tế tuyến tỉnh, Bộ hình thành mô hình Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng (mỗi tỉnh trung bình có từ 5-7 trung tâm, sáp nhập lại thành 1 trung tâm). Như vậy, mỗi tỉnh trung bình giảm 5 đầu mối, tổng số cả nước sẽ giảm 315 đơn vị tuyến tỉnh. Đến nay, đã có 54/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện mô hình Trung tâm CDC.

Theo tính toán của Bộ Y tế, khi sáp nhập các trung tâm này thành một trung tâm, số lượng lãnh đạo sẽ giảm 1.260 vị trí (315 đơn vị x 4 người gồm 1 cấp trưởng, 3 cấp phó), và với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng thì số lương phải trả sẽ giảm đi tương ứng 90,7 tỷ đồng/năm.

Cả nước hiện có khoảng 17.000 người đang làm việc tại các trung tâm, trong đó có 3.400 người làm hành chính như lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán… Bộ dự kiến giảm 2.140 người trong số này, góp phần giảm khoản chi lương mỗi năm hơn 154 tỷ đồng, đồng thời tăng cường được đội ngũ nhân lực trực tiếp làm công việc chuyên môn. Tính đến hết tháng 10/2017 có 70/2.040 đơn vị sự nghiệp ở địa phương thực hiện đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ kinh phí thường xuyên và có khoảng 35.000 biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước mà đã đưa vào giá dịch vụ. Đến cuối tháng 9/2018 có 51 tỉnh, thành phố giảm chi từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh là 14.682 tỷ đồng.

Đối với y tế tuyến huyện, Bộ Y tế thực hiện hợp nhất trung tâm y tế huyện với bệnh viện huyện thành trung tâm y tế đa chức năng theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện cả nước có 713 quận, huyện, khi sáp nhập lại thành một trung tâm y tế hai chức năng sẽ dư ra 713 đầu mối.

Ông Phạm Văn Tác cho biết, đến hết năm 2018, đã có 437/713 đơn vị cấp huyện tổ chức hợp nhất trung tâm y tế huyện với bệnh viện huyện, số lượng lãnh đạo quản lý sẽ giảm tương ứng là 1.748 vị trí và nhà nước sẽ không phải chi trả ngân sách thường xuyên 126 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn giảm khoảng 784,728 tỷ đồng/năm từ tiền ngân sách trả lương cho 10.899 biên chế gián tiếp là hành chính, lái xe, thủ quỹ, văn thư…

Như vậy, nếu thực hiện hợp nhất ở tuyến huyện sẽ giúp ngân sách tiết kiệm khoảng 910 tỷ đồng mỗi năm. Khi thực hiện trung tâm y tế đa chức năng, có thể ghép từ 4 đầu mối còn 1 đầu mối (hiện đang ghép 2 đầu mối thành 1 đầu mối) thì số lượng người làm lãnh đạo quản lý và biên chế gián tiếp còn tiếp tục giảm.

Đối với y tế tuyến xã, Bộ Y tế nhất trí chuyển số cán bộ có đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đang làm hợp đồng lao động, hưởng chi trả từ ngân sách nhà nước sang là viên chức tại các trạm y tế. Đây là việc sửa sai cho các tỉnh trước khi Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế ra đời, vì thực chất số cán bộ y tế này có thống kê là viên chức xã thì Nhà nước cũng không phải chi trả thêm một khoản kinh phí nào.

Theo Vietnam+