Tôi đã nhiều lần dạm bước, có lúc chỉ là một mình, lúc cùng đi với cả gia đình. Một cảm giác thật ấn tượng bởi không gian ấm cúng và cũng bởi phong cách phục vụ nhẹ nhàng, hơi phần điệu đà nhưng gần gũi của chủ nhân quán chay có dáng dấp hiện đại này ở Huế.
Nhân chuyện mạn đàm, hôm mới rồi, mấy anh em cùng phòng buổi chiều rủ nhau đi quán. Có người đề xuất, hay là đi ăn chay. Như có điều gì đó gặp nhau, cả bọn cùng ý hợp tương đồng, vậy là kéo về Liên Hoa, một quán chay nổi tiếng ngon và rẻ nằm trên đường phố Lê Quý Đôn. Vào tầm chạng vạng tối, quán đông người, có rất nhiều trong đó những nam thanh và nữ tú. Ở cái tuổi đã cập kề năm mươi, tôi như bất chợt tìm được chính mình ở những món ăn khẩu vị chay kia, ở không gian yên ắng và phong cách ăn uống nhẹ nhàng, tịnh không có tiếng chạm cốc chan chát của một quán bán đồ chay.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn ăn chay. Nhớ xưa ở quê, bữa ăn chay của ngoại tôi chỉ là dĩa chao và chén vị tâm Bồ Đề có tí ớt cay. Tuổi ăn, tuổi lớn, tôi cũng ăn chay với mệ nhưng không mê. Nó nhạt, có vẻ kham khổ, thiếu hấp dẫn và không ngon. Sau này, khi khôn lớn, tôi mới ngộ được rằng, ăn chay là nét văn hoá từng làm mê hoặc bao người, một tính cách và là quan niệm sống của người dân Huế.
Sử cũ chép, thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) có nhiều thiền sư Trung Hoa sang Việt Nam truyền đạo và Chúa đã mời Thiền sư Thạch Liên đến Thuận Hoá để chấn chỉnh và truyền bá đạo Phật. Lúc này, không chỉ dành riêng cho tăng ni mà cả Hoàng gia và cả Phật tử cũng đã ăn chay. Lời xưa còn truyền tụng rằng, đời các vua Nguyễn, trước khi làm lễ tế trời ở Nam Giao để cầu mong cho quốc thái dân an, vua phải cách ly bên ngoài, ở trai cung dùng cơm chay goi là trai tĩnh 3 ngày liền.
Trong quan niệm của Phật giáo và người Huế xưa, ăn chay là cách biểu hiện lòng trân trọng sự sống, loại bỏ những tham- sân- si, nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng. Và có vẻ như tìm được gắn kết tuyệt vời đó mà nhà thơ Nam Trân (1907-1967) từng viết, rằng “với truyền thống ăn chay, Huế lại càng đẹp hơn và càng nên thơ trong lòng người”.
So với bữa cơm chay của ngoại tôi ngày trước, bàn tiệc chay hôm nay ở những quán chay trên đường phố Huế hấp dẫn hơn nhiều, thấy đủ các món: Lẫu, nộn, đùi gà, cá chiên, thịt quay... Nhưng tất cả đều được chế biến từ các loại củ, quả, đậu và dầu thực vật. Nấu món chay trở thành một nghệ thuật rất tinh tế của người nội trợ Huế. Một mâm tiệc chay do thế vẫn tạo cảm giác hưng phấn ngon miệng không kém gì tiệc mặn.
Có vẻ như cùng với bước tiến hoá của xã hội, văn hoá ẩm thực cũng từng bước phát triển theo. Người ta đòi hỏi ăn chay phải ngon; phải giàu chất dinh dưỡng, cân bằng thực đơn giữa đạm- mỡ- đường- sinh tố- calori; và nữa phải đẹp mắt. Một lương y là chỗ quen biết của tôi vừa có chuyến đi Mỹ trở về bổ sung, người dân Âu Mỹ đang đối mặt với tình trạng nguy hiểm với nhiều thứ “cao”, cao đường, cao máu, cao mỡ...mà một trong những nguyên chính là do chế độ ăn uống, nhiều loại thịt cá, thừa đạm và khó tiêu. Nhiều người đã tìm thấy từ các món ăn chay ở Huế như một bài thuốc quý và họ đã là những “môn đệ” của trường phái ăn chay.
Ăn chay ở gia đình hay ăn chay ở chùa...đã là một cái gì đó thành nếp, không có chi lạ. Ăn chay ở quán ngược lại như sự nhập thế vào cuộc sống đời thường, tạo nên cảm giác muốn được khám phá. Đó là cảm nhận của riêng tôi. Ẩm thực chay chính là một phần của văn hoá Huế.
Rõ ràng, đến Huế, nếu không có dịp thưởng thức bữa cơm chùa mộc mạc, khách phương xa đã có thể cảm nhận hương vị món chay tại các hàng quán xuất hiện rất nhiều trên đường phố. Thưởng thức cơm chay Huế là thêm một lần tìm lối vào cõi thiện, cõi tâm linh; tạo cho ta sự bình tâm an lạc và tâm hồn thanh thoát hơn; giúp ta hiểu hơn về con người Huế, đặc biệt là phụ nữ Huế đảm đang và dịu dàng.
Đình Nam