Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế, đại diện Ban tổ chức chương trình tặng quà đến những hoàn cảnh khó khăn

Đây là hoạt động thiện nguyện được thực hiện bởi sự phối hợp giữa Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) với Quỹ Sen xanh (Báo Thừa Thiên Huế) với 1.000 suất quà gửi đến bà con ở 9 huyện, thị xã, TP. Huế và những địa chỉ cần giúp đỡ được Báo Thừa Thiên Huế đăng tải trong năm qua; diễn ra từ ngày 15 đến 17/1.

Những chuyến xe chở… tết

Từ trung tâm TP. Huế, những chuyến xe chở quà tết của chương trình nối đuôi nhau rồi tỏa đi khắp các hướng. Có xe xuôi về vùng thấp trũng Quảng An (Quảng Điền), chuyến khác thì lại ra tận Phong Chương (Phong Điền), hay có chuyến khởi hành từ khi trời còn tờ mờ sáng để kịp lên với người dân vùng cao A Lưới, Nam Đông…

Khi mỗi chuyến xe vừa đáp dừng ngay tại địa điểm tổ chức trao quà, từ các cụ già cho đến những chú nông dân, học sinh... ai ai cũng vui mừng. Họ cầm sẵn trên tay tờ phiếu nhận quà và cho biết đến từ khá sớm để chờ được gọi tên. “Vẫn biết trước sau gì rồi cũng được nhận, nhưng trong lòng cứ chộn rộn bởi vui quá. Chưa biết quà tết là có những gì, nhưng vẫn thấy ấm lòng bởi vẫn còn nhiều tổ chức quan tâm hỗ trợ mỗi khi tết đến, xuân về”, anh Lê Lị (50 tuổi, ở xã Quảng An, Quảng Điền) xúc động khi đứng chờ đoàn xe chở quà tết về trao tặng cho người dân Quảng An nói riêng và Quảng Điền nói chung.

Nụ cười của vợ chồng chị Tu Lom Bương (người dân tộc Tà Ôi, A Lưới) khi nhận được quà tết

Cũng như anh Lị, nhiều hoàn cảnh khó khăn khác hồi hộp khi được người dẫn chương trình gọi tên. Giữa đám đông ấy có rất nhiều người tay chân vẫn còn lấm lem bùn đất chạy từ ruộng đồng vào để kịp nhận quà. Nhìn những bước chân vội vã nhưng ánh mắt vui sướng và nụ cười trên môi mới hiểu được phần quà ấy có ý nghĩa như thế nào. Bởi lẽ, đối với người nghèo, tết nhiều lúc không còn là nỗi lo mà trở thành nỗi sợ khi phải gồng mình kiếm tiền, chắt chiu từng đồng mong mua được bộ quần áo mới cho con, trả nợ nần, mua sắm ít bánh kẹo…

Khi ban tổ chức thông báo chương trình quà tết mỗi suất trị giá 500.000 đồng (bao gồm bánh kẹo và 400.000 đồng) nhiều người không khỏi vui sướng. “Bánh kẹo tui sẽ đặt lên bàn thờ thắp hương, sau đó sẽ đãi bà con, xóm giềng mấy ngày tết. Riêng tiền sẽ để mua vật phẩm, làm mâm cúng mời ông bà tổ tiên về ăn tết”, bà Nguyễn Thị Vân (Quảng An, Quảng Điền)  "lên kế hoạch".

“Tết này chắc chắn vui rồi”

Một trong những nơi mà hành trình quyết định trao nhiều suất quà nhất đó là huyện vùng cao A Lưới với 175 suất. Với kinh nghiệm từ những chuyến đi trước, chương trình đã khởi hành từ rất sớm để người nhận quà không phải chờ. Vậy mà khi đoàn đến, có rất đông người dân đứng chờ ở tiền sảnh Nhà văn hóa huyện - nơi tổ chức trao quà. Có người đến trước gần cả hai tiếng đồng hồ và nói rằng: “Chỉ cần nhận được quà tết, còn chờ mấy cũng được!”. Chúng tôi như nghẹn lòng bởi câu nói thật thà đó.

Dù chỉ một suất quà, nhưng với nhiều gia đình đó là niềm vui khó tả, đến nỗi có cả gia đình gồm nhiều thành viên cùng đến nhận. Chờ vợ là chị Tu Lom Bương (người dân tộc Tà Ôi) lên nhận quà, ở dưới anh Đàm Văn Thân một tay bế con nhỏ chưa đến một tuổi, tay kia cầm bịch sữa, anh không thôi liếc mắt về phía hội trường, gương mặt rất hân hoan. Anh Thân kể, hoàn cảnh thuộc diện hộ nghèo của xã A Ngo, sống chủ yếu bằng mấy sào ruộng nên chỉ đủ sống, chứ chưa bao giờ nghĩ đến dư dả. Vì thế, khi được xã thông báo sẽ được nhận quà, hai vợ chồng rưng rưng nước mắt. “Với tôi, đây là phần quà rất lớn. Lớn không chỉ ở nghĩa mặt tinh thần, mà còn ở giá trị vật chất. Tết này chắc chắn vui rồi”, anh Thân nói.

Còn với cô bé Hồ Thị Trang (14 tuổi, thị trấn A Lưới) chưa năm nào thấy mừng như thời điểm cận tết này. Cầm trên tay phần quà tết, Trang nói lâu lắm rồi mới được nhận một phần quà lớn như thế. Hoàn cảnh nghèo khó, ba mất từ khi Trang còn nhỏ, mẹ bận bịu đồng áng nên ngoài việc học, Trang còn phải lo cho em nhỏ. Ngày được người trong xã đến thông báo đi nhận quà, Trang không tin vào tai mình. Trang thật thà: “Con mừng quá. Bánh kẹo con với em sẽ cùng để dành ăn tết. Còn tiền sẽ đưa cho mẹ và nói mua cho hai chị em bộ áo quần mới vì mấy năm nay chưa được sắm đồ”.

Bài, ảnh: NHẬT MINH