Phác thảo tác phẩm trình diễn “Sông Hương đêm trở dạ” của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè

Giới thiệu nghệ thuật tinh túy

Sau lễ khai trương vào ngày 15/1, trục không gian văn hóa nghệ thuật đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân sẽ sôi động với sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật đương đại đến âm nhạc truyền thống. Theo phương án của Sở Văn hóa và Thể thao, trước mắt, sẽ tổ chức biểu diễn 4 loại hình nghệ thuật: ca Huế, tuồng, âm nhạc và nghệ thuật sắp đặt, trình diễn.

Trên sông Hương, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Văn Hè đưa ra ý tưởng trưng bày cụm tác phẩm sắp đặt “Trò chơi”. Đây là những tác phẩm được Nguyễn Văn Hè sáng tạo bằng chất liệu từ phế liệu chiến tranh. Từ vỏ pháo, anh gấp thành chim hạc, chong chóng, máy bay, thuyền - những trò chơi thơ ngây của trẻ con để chuyển tới người xem thông điệp: “Chiến tranh là trò chơi gây đau khổ cho bao người, tôi muốn biến đau khổ trở thành niềm vui qua trò chơi của trẻ thơ”, anh bộc bạch. Sông Hương sẽ sinh động hơn với hình ảnh chiếc thuyền, máy bay giấy trôi nổi, chuyển động trên sông. Hiệu ứng thị giác và sự tương tác sẽ gợi nhớ trong ký ức mỗi người về tuổi thơ, khiến sông Hương cũng thơ mộng, thú vị hơn.

Ở bến Hề, nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè cũng ấp ủ ý tưởng tổ chức nghệ thuật trình diễn dưới sông. Với tác phẩm “Sông Hương đêm trở dạ”, Nguyễn Văn Hè sẽ là nghệ sĩ trình diễn. Trong chiếc thuyền thúng, hình ảnh đứa trẻ chuyển mình trong bào thai, rồi được sinh ra, đón nhận ánh sáng bình minh, không gian trong lành của dòng sông Hương. Đó cũng là sự chuyển mình của mỗi con người, từng vùng đất hay là cả một dân tộc bước qua bóng tối của đêm đen để đón chào ánh sáng bình minh rạng vỡ.

Ngoài duy trì chương trình ca Huế thính phòng, sẽ tổ chức biểu diễn thêm chương trình ca Huế ở sân Bảo tàng Văn hóa Huế. Khi trình diễn ở sân khấu ngoài trời, các nghệ sĩ của CLB Ca Huế biểu diễn thêm các làn điệu dân ca, âm nhạc dân gian Huế để phù hợp với đám đông công chúng. Hội Sân khấu tham gia biểu diễn các trích đoạn tuồng Huế, vũ đạo, trang phục, mặt nạ để giới thiệu tuồng Huế đến với mọi người. Loại hình âm nhạc do Học viện Âm nhạc Huế và Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đảm nhận, biểu diễn hợp xướng, nhạc cụ truyền thống và nhạc cụ phương Tây...

Phác thảo tác phẩm sắp đặt thuyền giấy trên sông Hương của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè

Điểm đến thú vị

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Trục không gian văn hóa từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân thu hút rất đông người dân và du khách đến vui chơi, ngắm cảnh. Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng phương án tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật xen kẽ vào các buổi chiều trong tuần và tối thứ bảy, chủ nhật nhằm tạo sự hấp dẫn, ấn tượng với du khách. Đây cũng là cách bảo tồn, quảng bá các giá trị nghệ thuật của văn hóa Cố đô”.

Sở Văn hóa và Thể thao đã làm việc với các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật để xây dựng chương trình cụ thể. Các chương trình biểu diễn đều có sự thẩm định của hội đồng nghệ thuật. Ngoài các loại hình nghệ thuật trên, trong tương lai, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ bổ sung thêm các loại hình nghệ thuật khác để tạo sự phong phú trong các hoạt động phục vụ cộng đồng và du khách. Ông Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi tổ chức giới thiệu những gì tinh túy nhất Huế đang lưu giữ trên không gian của sông Hương. Không chỉ tạo điểm nhấn cho thành phố mà các giá trị văn hóa Huế cũng sẽ lan tỏa”.

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè cho biết, nếu đủ điều kiện tổ chức thường xuyên, anh sẽ kết nối mời các nghệ sĩ từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nghệ sĩ quốc tế tham gia trình diễn nghệ thuật đương đại, nghệ thuật sắp đặt, múa đương đại, triển lãm tranh, điêu khắc… để tạo ra sự tương tác với cộng đồng. Nghệ sĩ chia sẻ: “Trong các dịp Festival Huế, nhiều nghệ sĩ quốc tế trưng bày các tác phẩm sắp đặt đẹp, thú vị nhưng sau đó phải dẹp đi, rất lãng phí. Bờ sông Hương cũng là địa điểm thu hút du khách đến thưởng lãm nghệ thuật trong các dịp festival. Chúng tôi muốn kết nối các nghệ sĩ tổ chức các chương trình nghệ thuật quanh năm, biến sông Hương thành bờ sông đẹp về hình thức thị giác và thông điệp nghệ thuật, chạm vào cảm xúc công chúng, để nơi đây trở thành điểm đến thú vị, thu hút du khách và là nơi để nghệ sĩ cống hiến”.

Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế, hào hứng: “Năm năm nay, các nghệ sĩ CLB Ca Huế bằng tình yêu và đam mê với nghệ thuật đã duy trì chương trình ca Huế thính phòng hàng tuần. Chúng tôi rất trân trọng, hoan nghênh chủ trương của tỉnh tổ chức giới thiệu thêm một chương trình ca Huế nữa ở không gian ngoài trời. Chúng tôi sẽ làm hết sức để giới thiệu các giá trị nghệ thuật truyền thống đến với công chúng”.

Để những ý tưởng ấy trở thành hiện thực, cần có sự hỗ trợ thêm về kinh phí. Ông Dũng đề xuất: “Sở Văn hóa và Thể Thao đã đề xuất UBND tỉnh có sự đầu tư ban đầu để các nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tạo. Sau đó sẽ kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp cùng đồng hành để có sự đầu tư thích đáng, hướng tới mục tiêu cao cả là làm cho mọi người được hưởng thụ các giá trị văn hóa của Cố đô, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN