Ít ai nghĩ rằng, cuốn sách “Tượng thờ Hindu giáo: Từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt”, do ông Nguyễn Hữu Thông chủ biên được giải nhất năm 2018 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lại bắt nguồn từ một sự tình cờ. Triển khai chương trình nghiên cứu về dấu tích của làng xã từ Quảng Bình vào tới Nam Trung bộ, cán bộ nghiên cứu của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế phát hiện ở những chùa miếu có những câu chuyện rất lạ...

Dừng lại ở một trong số những chuyện lạ kia là ở ngôi chùa Thành Trung nổi tiếng (Quảng Thành, Quảng Điền). Thật bất ngờ khi pho tượng bồ tát tại chùa lại vốn là tượng Visnu, một trong tam thần của trục tâm linh Ấn giáo (Hindu giáo) và từ nhiều đời nay, dân làng đã quen gọi là bà. Hay như ở chùa Ưu Điềm (Phong Hòa, Phong Điền), cách thiết trí đã cho thấy tất cả các tượng thần Ấn Độ giáo đều quy y và trở thành Phật...

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, chính việc bồi đắp thêm y trang, bệ tượng, vầng hào quang phía sau... đã làm biến dạng toàn bộ những dấu ấn đặc trưng của lối tạo hình tượng thờ Ấn giáo. Rồi, cũng chính việc bọc lại gần như toàn bộ những chi tiết điển hình của tượng cũ bằng các lớp vôi và sơn sống theo quan niệm Việt; đắp thêm, chỉnh sửa phần tiền diện và giữ nguyên mặt lưng tượng; chuyển phần lớn dáng tượng nguyên gốc từ tư thế đứng sang ngồi theo phong cách Việt...

Vì sao lại có những chuyện lạ này là vấn đề của các nhà khoa học và nó cũng đã được lý giải. Theo đó, trong quá trình mở cõi về phương Nam, thế ứng xử của người Việt đối với hệ thống tượng thờ Hindu, hoặc là không động đến, hoặc Việt hóa một cách dứt khoát theo quy luật có hằng số chung. Còn lại, các tượng thờ đều được Phật hóa, hoặc quy về “cõi Phật”, khi người ta nhận thấy cần thay đổi cho phù hợp với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của chính họ. Chính xu hướng nữ thần hóa, dân gian hóa, chính thống hóa và cả Phật giáo hóa kia là phương thức hữu hiệu để từng bước Việt hóa mọi di sản Hindu giáo vốn có nhiều dị biệt và xa lạ.

Còn nữa, hấp dẫn tôi ở đây là lao động và tâm huyết của những nhà nghiên cứu với hơn 10 năm ròng rã và chưa hề dừng lại. Ông Hằng tâm sự, cán bộ Phân viện điền dã, tiếp cận với tư liệu theo phương châm phi lợi nhuận; thành tâm giải mã những câu chuyện then chốt nhất trong đời sống văn hóa tâm linh. Song không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có trường hợp, các nhà nghiên cứu phải đặt vấn đề, thuyết phục hay năn nỉ nhiều lần, thậm chí phải chờ người dân “xin keo” (xin âm dương).

Câu chuyện về tượng thờ Hindu và những dấu vết Chăm một lần nữa cho thấy vẫn còn nhiều dấu tích văn hóa đặc sắc được lưu giữ ở các chùa miếu, vốn đặc biệt thân thương và gần gũi tại Huế nói riêng và cả miền Trung nói chung. Con số 222 ảnh chụp các bức tượng, cơ sở tín ngưỡng... cùng những khảo tả, đánh giá trong cuốn sách chỉ mới giới hạn ở phạm vi từ Quảng Bình đến Quảng Nam, trong khi hành trình mở cõi của người Việt về phương Nam không dừng ở đó. Và còn nữa là những dấu ấn “phi Hindu” ẩn chứa nơi chùa miếu cần được nghiên cứu và gợi mở, khi mà như chùa làng có nơi không chỉ là nơi thờ Phật như cách nghĩ thông thường.

ĐAN DUY