Vườn ươm giống lâm nghiệp ở Phong Điền
Tình cờ anh, từng là giám đốc một ban quản lý rừng thời cơ chế chưa chuyển đổi.
Nói chuyện chuyển đổi các đơn vị lâm nghiệp quốc doanh thành các công ty cũng là chuyện chuyển đổi một cơ chế quản lý nhà nước. Thời trước chỉ là quản lý rừng, thời này phải là kinh doanh rừng và tiến tới phát triển rừng bền vững. Hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, một bên là quản lý nhà nước, một bên là kinh doanh.
Trong phát triển lâm nghiệp có hai khái niệm là rừng trồng tập trung và trồng cây phân tán. Đã phân tán thì không gọi là rừng. Nó được trồng rải rác nơi nào có thể, ví dụ như chung quanh vườn nhà dân, bờ ao, góc ruộng… Vì trồng như vậy nên số lượng không nhiều nên có khi ngươi ta ít để ý. Nhưng xét về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường là không hề nhỏ.
Tôi ngồi nghe anh phân tích mà nhận ra nhiều điều với ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn.
Ý nghĩa đầu tiên đó là giảm áp lực cho rừng trồng tự nhiên mà chúng ta đang ra sức bảo vệ. Rừng tự nhiên chưa bao giờ ngừng bị xâm hại. Sử dụng gỗ là một sở thích của đa số người dân Việt Nam. Người có thu nhập tốt, người giàu ngày càng nhiều… đó là điều kiện tốt để người ta thỏa mãn sở thích của mình về gỗ. Gỗ dùng đóng bàn ghế, gường tủ, làm cửa, trần nhà… nói chung là rất nhiều đồ dùng gia dụng được làm bằng gỗ. Gần đây chúng ta thấy nhiều người còn để cả khối gỗ to, dày, quý… làm bàn nơi phòng khách.
Từ nhu cầu sử dụng cao như vậy đã gây nên áp lực cho việc khai thác rừng tự nhiên rất lớn. Cho phép khai thác thì các công ty được chỉ định khai thác. Không cho phép thì họ khai thác “trộm”, mà trong văn bản hành chính được gọi một từ “mỹ miều” hơn là khai thác lâm sản trái phép. Có phép hay không phép thì áp lực đối với rừng vẫn không hề giảm.
Trồng cây để lấy gỗ sử dụng chính là một giải pháp phát triển rừng bền vững. Anh kể chuyện, ở một số nước họ quy định thời gian khai thác rừng trồng bằng luật. Ví dụ như đã trồng rừng là bao nhiêu năm mới được khai thác. Có khi thế hệ này trồng đến thế hệ sau mới được hưởng. Rồi thế hệ kế tiếp lại trồng rừng cho thế hệ kế tiếp nữa. Người ta bảo quy luật phát triển rừng khi bù trừ sẽ đạt “điểm bằng không” là vậy. Đó chính là phát triển rừng bền vững.
Ở Thừa Thiên Huế có một loại cây rất phù hợp cho trồng cây phân tán, đó là cây keo lá tràm. Tên khoa học là Acacia auriculiformis. Nó được trồng phổ biến ở Thừa Thiên Huế từ lâu. Với những ưu điểm là gỗ tốt, không cong vênh, không mọt, vân gỗ đẹp… lại được người dân sử dụng, họ đã biết “chất lượng” gỗ keo lá tràm nên việc vận động người dân phát triển là không khó. Vấn đề là làm thế nào để người dân quan tâm, chú ý hơn nữa việc trồng cây keo lá tràm phân tán. Đây chính là lúc cần sự tác động của vai trò chính quyền. Nhà nước có thể thực hiện chương trình phát triển rừng bền vững bằng nhiều cách nhưng trong đó có một giải pháp là vận động, hỗ trợ người dân trồng rừng phân tán. Hiện tại Công ty TNHH 1 thành viên lâm nghiệp Tiền Phong đã sản xuất được loại giống này và bán chừng hơn 2.000 đồng một cây giống. Nếu muốn chất lượng thuần chủng thì có thể nhập từ Úc. Mỗi năm Nhà nước bỏ ra một số tiền không nhiều để hỗ trợ về giống nhưng sẽ kích thích người dân trồng rừng phân tán, cái lợi đưa lại cho xã hội không hề nhỏ. Như trên đã nói, phát triển rừng phân tán chính là tăng thêm một nguồn cung gỗ dồi dào cho nhu cầu sử dụng; giảm áp lực đối với rừng tự nhiên; bảo vệ môi trường thiên nhiên, sinh thái tốt hơn; và cũng góp thêm một nguồn thu nhập cho người dân.
Sống xanh, sống gần gũi, hòa quyện với thiên nhiên đang là một xu hướng của đời sống thế giới. Việt Nam cũng đã bắt đầu chú ý đến điều này. Thừa Thiên Huế với định hướng phát triển một đô thị xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường… lại càng chú ý hơn. Một cơ hội rất thuận lợi cho chương trình phát triển rừng bền vững.
Bài: NGUYÊN LE - Ảnh: HẢI TRIỀU