1. Nếu như cánh đàn ông, chỉ cần độ 15 phút và ngần ấy đường kéo là có một đầu tóc gọn gàng, ưng ý nhưng phụ nữ lại khác. “Họ ngồi ít chi cũng phải vài ba tiếng đồng hồ, có người ngồi suốt cả ngày để làm tóc”, Lê Văn Hoàng, một chủ salon tóc ở đường Phan Bội Châu (TP. Huế) nói.

Dịp tết, nhiều salon phải huy động thêm nhân lực để phục vụ khách hàng

Mỗi thời mỗi khác, mỗi năm mỗi mốt. Cận tết, nhu cầu làm tóc tăng đột biến, đặc biệt đối với phụ nữ. Điều đó rất dễ nhận thấy tại các salon. “Tóc ngang vai xoăn đuôi mái lệch, tóc ngang vai xoăn nhẹ phần đuôi, tóc bob xoăn tự nhiên, tóc dài uốn lọn, tóc ngắn cá tính…”, chừng ấy kiểu thôi cũng đủ làm rối trí những ai muốn cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng.

Tết đến, trăm thứ phải lo, và chị em giới trẻ cũng lo cho… tóc, kiểu giải thích của Hương, một nhân viên văn phòng ở TP. Huế khiến người nghe dù khó tính cũng phải gật gù. “Suốt cả năm vùi đầu vào công việc, nhiều chị em không quan tâm lắm đến tóc tai, dáng vóc. Tết đến, cũng là lúc nghỉ ngơi, sum họp, thư giãn bên người thân, bạn bè nên họ phải chăm chút kỹ lưỡng hơn một tý. Do vậy, làm tóc là nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu. Đã là phụ nữ ai cũng muốn xinh đẹp, đặc biệt là lúc tết đến xuân về, xúng xính trong những bộ quần áo mới, quyến rũ với mái tóc ưng ý”, Hương nói.

Theo nhiều chủ salon làm tóc ở TP. Huế, xu hướng cuối năm 2018 đầu 2019, các cô gái trẻ đa phần lựa chọn cho mình những mái tóc gợn sóng bồng bềnh, và kiểu tóc cụp trẻ trung, năng động. Họ thường lựa chọn những màu sắc như, vàng tây, nâu tây... Còn các cô nàng cá tính hơn thì thể hiện bằng những tông nâu rêu và vàng khói, màu ghi, để giúp tôn lên sự tự tin và phù hợp với cá tính riêng của mình. Giá cả làm tóc cũng tùy theo nhu cầu từng người, ít thì vài ba trăm nghìn, nhiều thì trên cả triệu bạc.

Không chỉ giới trẻ, tầng lớp trung niên, lớn tuổi cũng chăm chút làm tóc, đón tết. Họ thường chọn những kiểu sang trọng, quý phái như, là những kiểu xoăn ngọn lọn to, xếp lớp, vừa sang chảnh mà vẫn giữ được mái tóc dài vốn có, không làm mất đi vẻ đẹp riêng của mình. “Các chị lớn tuổi thường chọn cho mình những màu nhẹ nhàng như nâu trầm, nâu nhẹ, socola, màu café để hợp với công việc và lứa tuổi của mình”, Trần Văn Anh Quang, chủ salon Anh Quang, đường Phan Chu Trinh, TP. Huế chia sẻ.

Khắp TP. Huế, salon làm tóc lớn nhỏ nhiều vô số kể. Thế nhưng, bởi nhu cầu làm đẹp thời điểm này quá cao nên hầu như tiệm nào cũng đông khách. Tại một số salon uy tín, chất lượng, khách hàng phải book lịch làm tóc. “Trong đời sống hiện đại, nhu cầu làm đẹp luôn được phụ nữ ưu tiên hàng đầu. Vì vậy họ thường tìm đến những địa điểm uy tín, quen thuộc, có những “cây kéo vàng”. Các chủ salon cũng phải hướng dẫn khách hàng book lịch để có thời gian và được chăm sóc tốt hơn. Ngoài ra, dịp cuối năm, các salon có các chương trình như, tặng quà và giảm giá để tri ân khách hàng”, anh Trần Văn Anh Quang nói.

2. Làm tóc – cái nghề nghe qua tưởng chừng giản đơn nhưng không hề dễ dàng. Nghề này có nhiều tiềm năng bởi nhu cầu khá lớn nên cùng với các thành phố lớn khác, ở Huế, tiệm làm tóc lớn nhỏ mọc lên như nấm sau mưa. Mặc dù vậy, không phải ai, tiệm nào cũng duy trì được nghề. Lê Văn Hoàng bảo, dịp tết, nghề làm tóc mới vào vụ, tiệm nào mỗi ngày đón vài chục đến vài trăm lượt khách. Điều đó kéo theo sự thiếu hụt của nhân viên, thợ phụ. Vì vậy, đa số lúc này nhiều tiệm treo bảng tuyển nhân viên. Song, ở những thời điểm khác trong năm, nhiều salon cả thợ lẫn chủ chỉ biết ngồi để dũa móng tay, lướt mạng. “Trước khi mở salon, ngoài thời gian học nghề 1 năm, mình phải lang bạt khắp các salon ở miền Nam làm thuê để nâng cao tay nghề và kinh nghiệm”, Hoàng bộc bạch.

Xu hướng tóc gợn sóng bồng bềnh thu hút giới trẻ

Để mở một salon làm tóc, nhất là làm tóc nữ không phải đơn giản, bởi vốn đầu tư không hề nhỏ. Ngoài cơ sở vật chất thông thường, những thiết bị, dụng cụ chuyên dụng, như các loại máy sấy tóc, giá đẩy tay có bánh xe để dụng cụ làm tóc, bộ cắt giũa móng tay, áo choàng cắt tóc, máy phun dầu gội, gường nằm mát-xa mặt, máy hấp tóc, mỹ phẩm chăm sóc tóc… khá đắt tiền. Hoàng phân tích: “Ngoài dịp tết, nghề làm tóc đắt khách vào các dịp lễ. Ở Huế vào mùa đông, trời mưa dầm dề, ai mà đi làm tóc. Những thời điểm ấy, nhiều salon không trụ vững vì lấy đâu ra chi phí trả tiền nhân công, mặt bằng nên đành dẹp tiệm”.

Nghề gì cũng có lúc thăng lúc trầm, nghề làm tóc cũng vậy. Để đáp ứng nhu cầu “thượng đế”, dịp tết, những “tay kéo” không cho phép mình nghỉ ngơi. Những ngày cuối cùng của năm cũ cũng là lúc họ quay cuồng với công việc. Nếu nói không ngoa, đối với nhiều salon dạng vừa vừa, thu nhập từ dịp này chiếm hơn một nửa trong tổng thu nhập suốt cả năm. “Dịp tết, thời gian đảo lộn so với ngày thường. Muốn làm nghề và duy trì nghề, người thợ phải thực sự chăm chút, kỹ lưỡng cho khách hàng. Chỉ một sơ suất nhỏ khiến khách hàng không hài lòng thì sẽ mất uy tín ngay. Do vậy, ngoài chất lượng tay nghề, người thợ phải… "dẻo miệng", nắm bắt được tâm lý khách hàng, lỡ có làm làm sai còn biết đường mà nói”. Hoàng đúc rút.

Bài, ảnh:  VIÊN MINH