Anh Hoàng Trọng Thủy với niềm vui được hỗ trợ học sinh nghèo. Ảnh: NVCC

Cựu sinh viên nghèo hỗ trợ sinh viên nghèo

“Ngày xưa nghèo quá, chỉ dám ước được làm nghề “cầm lái”, kiếm tiền mưu sinh. Học xong lớp 12, tôi cũng đi học lái xe thật, chỉ tiếc rằng không tìm được việc, giấc mộng dở dang”, anh Thủy nhớ lại. Sau đó, anh thi đậu Khoa tiếng Trung, Trường đại học Sư phạm Huế. Niềm vui đó lại song hành với nỗi lo lắng bởi cả người em trai cũng thi đậu đúng chuyên ngành mà anh chọn. Cái nghèo đưa ra phép thử, không đủ khả năng kinh tế, anh “bấm bụng” trở về quê tìm việc, nhường phần học lại cho em. Thương con, người cha đã vay mượn tiền để cả hai anh em cùng được đến giảng đường.

Trong quãng đời sinh viên, anh Thủy vừa học vừa làm thêm đủ nghề để trang trải sinh hoạt phí. Ngoài ra, những khoản học bổng do các tổ chức tài trợ đã đem đến một nguồn kinh phí cho việc học của anh. Đó là điều mà anh vô cùng tri ân. Có lẽ, cũng là khởi đầu của cái duyên đưa anh đến với công việc tại Văn phòng dự án Zhi - Shan Foundation TaiWan, thuộc tổ chức phi chính phủ đến từ Đài Loan sau khi tốt nghiệp.

Chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm càng khiến anh thêm muốn gắn bó với những số phận không may đó. Anh kể về những trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại nghĩa trang trong nỗi xót xa. Anh cũng kể về cô bé tên Vân (ở huyện Phú Vang) năm 14 tuổi bị liệt nửa người dưới và có khối u thoát vị bàng tủy, suy thận, bàng quang tê liệt được tổ chức đưa sang Đài Loan phẫu thuật. Sau đó, 15 tuổi em được hỗ trợ đi học lớp 1, 20 tuổi em hoàn thành chương trình tiểu học và học nghề thêu để có cái nghề kiếm sống. Đến nay, Vân đã là một người phụ nữ trưởng thành, có mái ấm nhỏ hạnh phúc.

Kim Anh sinh ra và lớn lên ở miền núi Tuyên Hóa, Quảng Bình, chia sẻ: “Gia đình em rất khó khăn, may nhờ có tổ chức và chú Thủy giúp đỡ. Từ năm lớp 5 em đã được nhận học bổng cho đến bây giờ, có thể nói đó như một nguồn sáng của cuộc đời em, giúp em được ăn học đàng hoàng và em đang là sinh viên của Trường đại học Ngoại ngữ Huế”.

Mỗi niềm hạnh phúc của một số phận là mảnh ghép trong bức tranh hạnh phúc về công việc anh Thủy làm. Anh cho biết, tổ chức hỗ trợ cho hơn 100.000 cháu và hiện bảo trợ dài hạn cho hàng ngàn trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn từ khi các em học tiểu học cho đến khi tốt nghiệp đại học. “Điều đáng quý là, rất nhiều em trước đây được tổ chức bảo trợ, nay đã thành tài và quay trở lại cùng với tổ chức bảo trợ cho trẻ khó khăn. Yêu thương như đang xoay vòng. Cũng như chính tôi là một cựu sinh viên nghèo được cấp học bổng ăn học, rồi bây giờ làm công tác kết nối, hỗ trợ học sinh, sinh viên”, anh Thủy nói trong niềm xúc động.

Mô hình thư viện thân thiện được dự án Zhi – Shan tài trợ tại Trường tiểu học Phú Mậu (Phú Vang). Ảnh: PHƯỚC LY

Đọc có chủ đích

Cách đây 10 năm, khi được tham quan các mô hình văn hóa đọc nước ngoài, anh Thủy đã ấp ủ đưa dự án tuyên truyền văn hóa đọc về Việt Nam. “Tôi nghĩ, không hoặc ít đọc sách không chỉ là vấn đề ảnh hưởng đến tri thức, khả năng diễn đạt câu từ, mà còn làm cho giấc mơ của mỗi người bị bó hẹp hơn. Vậy nên, tôi muốn lan tỏa văn hóa đọc, để các em tiếp thu thêm nhiều vốn kiến thức, biết thêm nhiều chân trời mới, từ đó mở rộng ước mơ của bản thân”, anh tâm sự.

Năm 2008, anh bắt đầu đưa sách về thí điểm tại 10 trường học. Đến năm 2010, dự án “Thư viện thân thiện” được mở ra bằng cách ghép 2 phòng học làm thành thư viện khoảng 100m². Trong không gian ấy, các tủ sách, giá sách và bàn ghế ngồi đọc tại chỗ được bài trí gọn gàng với những gam màu tươi sáng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Chữ thân thiện trong tên gọi của thư viện mang hàm ý xóa bỏ mọi rào cản, từ thái độ, không gian, phương tiện, trang thiết bị để các em học sinh được đọc sách với một tâm thế thoải mái, tự nhiên nhất. 200 thư viện thân thiện bắt đầu ra đời, mỗi tuần học sinh sẽ có tối thiểu 1 tiết đọc tại thư viện. Ngoài ra, ngay mỗi lớp học sẽ có một tủ sách dành cho các em đọc trong 15 phút đầu giờ. 80.000 đầu sách đã được đưa tới 200 thư viện trường học khu vực miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).

Điều đáng mừng, trong khi số liệu thống kê học sinh Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách mỗi năm, thì đối với các em học sinh tại những trường học có thư viện thân thiện của dự án, con số này lên tới 50 cuốn sách/năm (dòng sách dành cho thiếu nhi). Mỗi thư viện có trung bình 2.000 lượt bạn đọc/tháng.

Anh Thủy vẫn không ngừng trăn trở liệu rằng việc đọc sách đã mang lại thay đổi gì về nhận thức, thái độ, tuy duy và năng lực cho các em hay chưa. Năm 2017, anh “vác balo” qua Hồng Kông học hỏi thêm về các mô hình đọc sách. Sau khi về nước, anh vận dụng những điều hay và sáng tạo thêm để áp dụng thay đổi văn hóa đọc của học sinh, hướng các em đọc sách có chủ đích. Theo đó, song song với việc đọc, các em sẽ có nhật ký đọc sách và làm sơ đồ tư duy tóm lược nội dung cuốn sách mình đã đọc. Qua đó sẽ thể hiện được sau khi đọc sách em nắm được điều gì. Đồng thời, việc đọc sách cần tương quan với việc phát triển kỹ năng bằng cách thuyết trình trước lớp. Sự tự tin, khả năng nói trước đám đông và tương tác với bạn bè được nâng cao khi các em có sự trao đổi lẫn nhau.

Cô Nguyễn Thị Kim Huế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mậu (Phú Vang), là một đơn vị được dự án Zhi – Shan tài trợ mô hình thư viện thân thiện, bày tỏ: “Chúng tôi lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động để tăng cường đẩy mạnh hoạt động thư viện trường học, tăng cường các kỹ năng và đam mê đọc sách cho trẻ em. Sự thay đổi rõ nét ở học sinh, không chỉ thông qua những giờ đọc sách mà còn có thái độ tích cực phát biểu xây dựng bài, mạnh dạn đặt câu hỏi ở các giờ học khác”.

Năm 2018, Văn phòng dự án Zhi - Shan là 1 trong 13 tập thể và là tổ chức nước ngoài duy nhất trên cả nước nhận “Giải thưởng phát triển văn hóa đọc” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao tặng. Anh Hoàng Trọng Thủy cũng là 1 trong 6 cá nhân nhận được giải thưởng đáng quý này.

PHƯỚC LY