Đông Nam Á tăng cường từ chối nhập khẩu phế phẩm nhựa từ nước ngoài. Ảnh: Joe Cup
Tác động nghiêm trọng
Động thái này gây nên sự xáo trộn lớn tại nhiều nước trên thế giới, cùng nhiều hậu quả cho ngành công nghiệp tái chế toàn cầu trị giá 200 tỷ USD, nhưng cũng khiến các quốc gia suy nghĩ và thay đổi nhiều hơn về thói quen tái chế của mình. Thêm vào đó, nhiều quốc gia phát triển cũng đang tìm kiếm một điểm đến mới cho phế phẩm nhựa, mà trong đó, điểm đến được nhắm tới là khu vực Đông Nam Á.
Trên khắp Đông Nam Á, các nhà tái chế hoạt động ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đã đồng ý thu mua, nhập khẩu rác thải từ một số quốc gia. Song tất cả đều nhanh chóng bị quá tải và choáng ngợp trước một lượng lớn phế phẩm mà Trung Quốc đã từng thu mua dễ dàng.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), rác thải của hành tinh sẽ tăng 70% trong vòng 30 năm tới. Trước đây, tức vào năm 2015, khi phép đo chất thải nhựa toàn cầu đầu tiên được thực hiện, kết quả cho thấy trung bình mỗi năm có khoảng 8,6 triệu tấn phế phẩm nhựa bị xả thẳng ra biển. Trong danh sách 192 quốc gia ven biển, Trung Quốc đứng đầu là đất nước có mức độ ô nhiễm nhựa nặng nhất. Nghiêm trọng hơn, trong số 19 quốc gia đầu tiên, có đến 11 nước ở châu Á.
Về một ví dụ cho những tác động tiêu cực đến môi trường sống ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, vào tháng 6/2018, một chú cá voi chết đã được tìm thấy khi trôi dạt vào bờ biển Thái Lan. Sau một cuộc khám nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 80 bao nilon các loại trong bụng cá voi. Chỉ một vài tháng sau đó, một con cá nhà táng cũng tiếp tục được tìm thấy trong tình trạng đã chết và trôi vào bờ biển Indonesia, trong bụng phát hiện có 1.000 miếng nhựa, trong đó bao gồm hơn 100 cốc nhựa sử dụng 1 lần.
Khước từ nhập khẩu phế phẩm
Với tình hình rác thải đang ngày càng chất đống, hiện châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng cũng đang tăng cường từ chối nhập khẩu phế phẩm nhựa từ nước ngoài.
Chuỗi hành động được triển khai nhanh chóng, cụ thể: Vào ngày 9/1 vừa qua, Philippines đã vận chuyển 6.500 tấn phế phẩm nhựa nhập khẩu bất hợp pháp từ tháng 8/2018 quay trở lại Hàn Quốc. Đây cũng là lần thứ hai trong vòng vài tháng chính phủ Philippines yêu cầu Hàn Quốc tiếp nhận lại rác thải nhựa nhập khẩu bất hợp pháp. Tại đất nước này, các nhà bảo vệ môi trường cũng kêu gọi nhà nước thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa nhằm ngăn chặn viễn cảnh Philippines trở thành bãi rác của thế giới.
Đông Nam Á tăng cường từ chối nhập khẩu phế phẩm nhựa từ nước ngoài. Ảnh: National Geographic
Không chỉ riêng Philippines, những động thái nghiêm khắc đang ngày càng được triển khai nhiều hơn tại một số quốc gia trong khu vực khi Unearthed - dự án điều tra của tổ chức Hòa bình Xanh chỉ ra rằng khoảng ½ số lượng phế phẩm nhựa do Mỹ xuất khẩu, một số lượng vô cùng lớn đã được đưa tới Thái Lan, Malaysia và Việt Nam chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018.
Đối với Thái Lan, từ tháng 10/2018, chứng kiến số lượng rác thải nhựa của Mỹ được phẩm khẩu về nước này tăng gần 2.000% trong 6 tháng đầu năm, giới chức xứ sở chùa vàng tuyên bố vào năm 2019 sẽ ngưng hoàn toàn nhiều hoạt động nhập khẩu phế phẩm điện tử, đến năm 2021, công tác nhập khẩu phế thải nhựa sẽ hoàn toàn chấm dứt. Nghiêm khắc hơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan Anupong Paochinda cho biết chính phủ nước này đã quyết định thành lập một hội đồng đa cơ quan có nhiệm vụ tìm cách điều tiết rác thải từ nước ngoài. “Nếu rác thải không mang lại lợi ích cho đất nước mà còn gây nên tác động tiêu cực, chúng tôi sẽ không cho phép chúng được nhập khẩu”, vị quan chức cho hay. Cũng trong thời gian này, phía Malaysia tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu phế phẩm nhựa trong vòng 3 năm.
Trước tình hình diễn biến ngày càng nghiêm trọng, vào tháng 7/2018, Việt Nam cấm toàn bộ công tác cấp giấy phép mới cho các hoạt động nhập khẩu rác thải, đồng thời chính phủ Việt Nam cũng tăng cường triệt phá những lô hàng nhập phế phẩm nhập khẩu bất hợp pháp. Tập đoàn vận tải APL cũng tuyên bố tạm ngưng vận chuyện phế phẩm nhựa từ Mỹ và Canada sang Việt Nam do tồn đọng nhiều container phế phẩm có thể tái chế tại các cảng biển của đất nước. Ngay sau đó, tuyên bố tương tự cũng được đưa ra đối với Thái Lan và Malaysia.
HẠNH NHI
(Tổng hợp từ Qz News, National Gepgraphic & Asia Times)