Báo cáo từ Ủy ban ATGT Quốc gia, tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực nông thôn năm qua trong cả nước chiếm gần 30% và có chiều hướng gia tăng. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, năm 2013 xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông ở các tuyến liên thôn, liên xã, làm 23 người chết và 70 người bị thương. Theo thống kê, trong tháng 3/2014, đã có ít nhất 3 vụ TNGT ở khu vực nông thôn, làm 3 người chết, 2 người bị thương. Hầu hết đều do người điều khiển mô tô không làm chủ tay lái tông vào người khác; hoặc tự ngã chết. Đơn cử vụ xảy ra vào chiều 2-3, trên đường liên thôn Hói Dừa thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc); anh Nguyễn Thanh (SN 1991) điều khiển mô tô chở anh Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1987), do không làm chủ tay lái đã va vào taluy đường chắn sóng, gây tai nạn. Anh Tuấn chết tại chỗ, anh Thanh bị thương. Cách 1 tuần sau, trên địa bàn xã Quảng Lợi (Quảng Điền), anh Trần Thắng Lợi (SN1988) đã điều khiển mô tô, do không làm chủ tay lái nên để xe đi sang phần đường bên trái, ngã xuống ruộng chết tại chỗ...

Đường nông thôn được xây dựng khang trang nhưng nếu chủ quan thì rất dễ gây tai nạn

Giao thông nông thôn giờ đây không còn được yên bình. Hình ảnh thanh niên say rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu trên các tuyến đường làng là nỗi kinh hoàng cho nhiều người. Khoảng 19 giờ tối ngày 7/2/2014, trên đường liên thôn thuộc xã Quảng Thành (Quảng Điền), bà Trần Thị Mãn (SN 1951) và bà Nguyễn Thị Dư (SN 1950) là người dân địa phương đang đi bộ, thì bị 2 thanh niên đi mô tô chạy cùng chiều từ phía sau tông mạnh, làm bà Mãn chết tại chỗ, bà Dư bị thương. Sau khi gây tai nạn, 2 thanh niên bỏ trốn.

Ông Trần Bá Trung, Thường trực Ban ATGT Thừa Thiên Huế cho biết: Nguyên nhân trước hết là do hiểu biết pháp luật về trật tự ATGT và ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân khu vực nông thôn còn hạn chế, tỷ lệ người vị phạm trật tự ATGT vẫn còn ở mức cao, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy. Đường giao thông nông thôn mặc dầu được cải tạo, mở rộng, nâng cấp nhưng còn thiếu hệ thống biển báo và thiết bị bảo đảm an toàn giao thông; tầm nhìn tại các điểm giao cắt bị che khuất bởi nhà cửa, cây trồng...

Sắp tới, Ban ATGT tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự ATGT cho khu vực nông thôn, tập trung vào giới trẻ; thông qua trường học và các hoạt động của các tổ chức đoàn thể, triển khai thực hiện các chương trình phối hợp về đảm bảo trật tự ATGT đã được ký kết với các tổ chức đoàn thể; trang cấp cẩm nang điều khiển phương tiện giao thông an toàn dùng cho người dân khu vực nông thôn. Sở GTVT và Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc; đồng thời, tổ chức phối hợp kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo trật tự ATGT, tại các tuyến đường nông thôn.

Sở GTVT cũng sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; xử lý điểm đen, đảm bảo an toàn giao thông và hành lang an toàn đường bộ ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, công an tỉnh sẽ chỉ đạo công an các địa phương huy động các lực lượng; trong đó có lực lượng công an xã tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông nông thôn. Phân công mỗi cán bộ chiến sĩ CSGT huyện phụ trách 1 xã, thị trấn để nắm tình hình; hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ công an xã tham gia giữ gìn trật tự ATGT; thống kê, lập danh sách những đối tượng thanh thiếu niên lái xe vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm trật tự ATGT để răn đe, giáo dục...

Đó cũng là nội dung, kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia, nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn nông thôn. Các hoạt động sẽ được triển khai thống nhất từ Trung ương đến các địa phương trên toàn quốc, để tạo sự chuyển biến trong hoạt động bảo đảm trật tự ATGT khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới!

Bài, ảnh: Đặng Thành