“Học ngành đó ra trường làm việc gì? Cơ quan, doanh nghiệp nào sẽ tuyển dụng? Môi trường làm việc, mức thu nhập? Trường nào đào tạo tốt?...”. Đó là những vấn đề được học sinh đặt ra với các chuyên gia của Bộ GD&ĐT cũng như các trường ĐH, CĐ vừa diễn ra vào giữa tháng 1 vừa rồi trong chương trình tư vấn – hướng nghiệp diễn ra TP. Huế.

Học sinh đặt câu hỏi liên quan đến chọn ngành nghề với các chuyên gia

Lưu ý khi chọn ngành

Đại diện Bộ GD&ĐT cùng các chuyên gia đánh giá cao vấn đề các học sinh ở Huế đặt ra, nhưng cũng lưu ý một số thông tin liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Ông Phạm Văn Lương, Chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) nhắc lại với hơn 4.000 học sinh tham gia chương trình tư vấn – tuyển sinh, năm nay đề thi vẫn bám sát kiến thức chương trình THPT mà chủ yếu chương trình lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản xét tốt nghiệp và có độ phân hóa phù hợp để các trường ĐH, CĐ làm cơ sở tuyển sinh.

Còn với tuyển sinh ĐH, CĐ 2019, cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2018. Thí sinh vẫn có nhiều cơ hội chọn ngành nghề yêu thích ở các trường khác nhau dựa trên kết quả thi, phương thức đăng ký xét tuyển đơn giản bằng nhiều cách như trực tuyến, bưu điện hay tùy theo quy định từng trường. “Tuy nhiên, các học sinh cũng nên cân nhắc chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, xác định sẽ gắn bó, theo đuổi lâu dài như thế sẽ phát huy được đam mê công việc sau này…”, ông Lương khuyên.

Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH) đã cung cấp những thông tin quan trọng đến học sinh quan tâm đến lĩnh vực giáo dục nghề. Theo ông Giang, giáo dục nghề nghiệp có 3 cấp trình độ đào tạo là sơ cấp, trung cấp và CĐ. Học sinh tốt nghiệp THCS có thể học kỹ năng nghề, rồi từ đó tiếp tục học liên thông. Riêng những ngành năng khiếu phải đáp ứng khả năng riêng tùy theo từng ngành. Từ đó, ông Giang khuyên rằng, không chỉ ĐH mới là còn đường duy nhất có thể lập nghiệp mà giáo dục nghề nghiệp cũng là con đường đang rất được ưa chuộng, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, đáp ứng được nhu cầu thị trường nhân lực trong thời buổi hiện tại.

Cân nhắc giữa thích và đam mê nghề nghiệp

Trong phần trao đổi, tư vấn trực tiếp với học sinh, các chuyên gia đã trực tiếp lắng nghe những câu hỏi của các em trước ngưỡng cửa cuộc đời khi mà việc chọn ngành học để theo đuổi đam mê không chỉ ở trên ghế nhà trường mà còn hành trình gắn bó công việc sau này. Em Bảo Trân (học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế) hỏi: “Em đang thích ngành tâm lý, vậy ngành này được đào tạo ở trường nào, việc học có khó khăn không, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp?”. Ngay lập tức các chuyên gia nhắc Trân cần suy nghĩ lại, bởi thích và đam mê nghề nghiệp khác nhau hoàn toàn. Thích chỉ là nhất thời, còn đam mê để theo đuổi và gắn bó với nghề không hề đơn giản.

TS. Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện có rất nhiều trường đang đào tạo ngành tâm lý vì nhu cầu nhân lực xã hội đang rất cần, chương trình dạy học cơ bản giống nhau. “Nhưng tôi khuyên các bạn nghề này cũng rất áp lực bởi ngoài kiến thức được học các bạn phải tự học các kiến thức bên ngoài rất nhiều. Tất nhiên, kỹ năng mềm và năng khiếu cũng giúp ích cho các bạn”, thầy Hạ chia sẻ.

Không ít sinh viên quan tâm đến học bổng của từng trường. Đại diện một số trường ĐH Huế cũng như các trường khác cho biết, hầu hết các trường đều có học bổng như toàn phần, bán phần tùy thuộc vào ngành học, điểm đầu vào. Trong quá trình học, tùy thuộc vào học lực, còn có nhiều học bổng khác.

Bài, ảnh: NHẬT MINH