Tôi thực sự rùng mình khi thấy hình ảnh những con lợn lở mồm long móng, chết thâm đen, được lột da, lọc lấy những phần thịt chưa bị thối rữa, được cơ sở làm thịt sấy tại xã Đại Đồng (Vĩnh Phúc) phù phép thành những miếng thịt sấy khô, thơm phức… Điều đáng nói đây không phải là lần đầu việc chế biến thực phẩm từ nguyên liệu bẩn bị phát hiện, mà đã xảy ra rất nhiều vụ việc trước đó, tại một số cơ sở sản xuất giò chả, chà bông, xúc xích…

Sự tồn tại của các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn không chỉ gây tổn hại sức khỏe cho người tiêu dùng, làm lây lan dịch bệnh cho vật nuôi mà còn ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của các cơ sở sản xuất chân chính.

Dư luận dặt câu hỏi, làm sao mà xác các động vật bị bệnh chết; thịt, nội tạng của động vật đã bốc mùi lại đến được các cơ sở chế biến? Chúng ta đã có Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm; trong đó có rất nhiều điều nghiêm cấm như: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm làm lây lan dịch bệnh động vật; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Trong nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tiếp tay từ người chăn nuôi. Do nhận thức còn hạn chế, nhất là tâm lý tiếc của nên không ít trường hợp, người chăn nuôi che giấu dịch bệnh, bán tháo nhằm vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Bên cạnh đó, sự phối hợp kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Để người chăn nuôi sẵn sàng khai báo, phối hợp tiêu hủy vật nuôi khi xảy ra dich bệnh, cần thiết phải có cơ chế, chính sách hợp lý cho chăn nuôi. Đối với trang trại chăn nuôi lớn thì bắt buộc chủ chăn nuôi phải mua bảo hiểm cho đàn nuôi. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (đa số là hộ nghèo) thì nhà nước phải có nguồn quỹ để hỗ trợ hợp lý khi vật nuôi bị bệnh. Song song với đó là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi. Có như vậy, người chăn nuôi mới nhiệt tình phối hợp với ngành chức năng chủ động dập dịch, hạn chế mầm bệnh lây lan; đồng thời, hạn chế đáng kể nguồn thịt bẩn ra thị trường và vào các cơ sở chế biến.

Điều quan trọng nữa là tăng cường công tác quản lý, thực thi pháp luật của lực lượng chức năng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển các sản phẩm từ động vật không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh phòng dịch; nhất là từ biên giới vào. Bên cạnh đó, phải xử lý thật nghiêm, tăng mức hình phạt đối với những tội tiếp tay, sản xuất, chế biến thực phẩm từ nguyên liệu động vật chết, nguyên liệu không đảm bảo an toàn.

Với việc khắc phục những hạn chế chặt chẽ từ phần gốc đến phần ngọn, chắc chắn những sản phẩm không đảm bảo chất lượng từ chăn nuôi sẽ không có chỗ đứng trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; góp phần cho ngành chăn nuôi phát triển dài lâu.

Đặng Thành