Nải chuối bình dị đang được nhiều gia đình chọn lựa cho việc thờ cúng

Trong cơn mưa dầm dề và cái rét cắt da của trời Huế những ngày giáp tết, nội tôi lễ mễ một tay xách giỏi, một tay nách cái rổ từ chợ về. Cẩn thận đặt cái rổ xuống chiếc ghế kê cạnh bếp, nội cười mãn nguyện: "Mua được rồi, mấy nải chuối vườn quá đẹp!". Với nội tôi, ăn uống răng cũng được. Nhưng kỵ giỗ tết nhứt, trên bàn thờ phải có bình bông nải chuối thật tươi. Chọn được mấy nải chuối vừa ý rồi, việc chuẩn bị cho ba ngày tết đối với bà xem như xong một nửa.

Mà không chỉ có nội tôi, với nhiều người dân Huế, nải chuối thật đẹp trên bàn thờ gia tiên ba ngày tết gần như là cái gì đó mặc định. Chính vì thế mà dịp tết, chuối cúng trở nên đắt hàng và đắt giá kinh khủng. Có những năm cung không đủ cầu, đến 29-30 tết, dù đắt và xấu, nhưng bởi cái tâm lý..."phi chuối bất thành tết", ở các chợ chuối hết sạch. Còn nhớ đâu những năm 1992-1993 gì đấy, lúc còn là phóng viên trẻ, tôi và anh Lê Phương ở Đài Phát thanh tỉnh (Đài TRT bây giờ) được phân công tháp tùng ông Võ Nguyên Quảng, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh đi thăm, chúc tết vùng A Lưới. Hồi đó đường 12B, nay là QL49, còn cực kỳ xấu. Đi A Lưới phải vài ba ngày mới có thể xong việc. Buổi sáng, hai anh em dậy sớm đi chợ chơi. Thấy đồng bào gùi chuối ra bán đầy, hỏi thử thì trời ơi giá rẻ bất ngờ. Vậy là không cần trả, cứ mua tới. Mua xong mới ngớ ra, không biết phải mang về bằng cách nào khi chiếc Uoat của đoàn công tác không rộng rãi gì. Nhưng đã lỡ thì phải lần. Về nịnh nịnh ông Quảng, cũng may ông xuề xòa dễ tính, bảo đồng chí "cán bộ đường lối" thu xếp giúp nhà báo. Vậy là hai thằng hớn hở với cả một xe chuối về xuôi. Xe đỗ trước khu tập thể Đống Đa, Lê Phương nhà ngay cạnh, kêu vợ xuống tiếp ứng. Còn tôi thì gọi xích lô, chất chuối lên rồi tót ngồi nghễu nghện trên xe tư gia trực chỉ, mặt giương giương đầy vẻ tự đắc. Ba mạ tôi ra đón. Cả hai cũng hết sức hứng khởi. Vậy là tết ấy khỏi phải lo chuối, lại còn chơi sang, tiện ra biếu nhà này một nải, nhà kia một nải, khoe của thằng con nhà báo đi công tác mua về. Tiếc là sau đó chuối đơm mãi không... chín. Hỏi ra, người kinh nghiệm bảo mua phải chuối bị "khỉ cào" (!??).

Sau này, trái cây nhiều, giá rẻ, đủ chủng đủ loại, lại ảnh hưởng quan niệm của người phương nam không biết từ bao giờ, cho rằng đầu năm cúng chuối là "chúi", sẽ xui xẻo, trì trệ cả năm. Vậy là chuối tết không còn nóng sốt như trước nữa. Nhà tôi cũng vậy, sau ngày nội tôi qua đời, cúng kiếng trên bàn thờ toàn thấy nho, cam, táo, lê, xoài... nải chuối dung dị, chân chất hầu như mất dáng. Cái bàn thờ chưng toàn trái cây rực rỡ lung linh thật đấy, nhưng sao vẫn như thấy thiêu thiếu một chút gì đó linh thiêng, ấm cúng, gần gụi với người Việt...

Rồi dường như đó cũng là cảm giác của nhiều người, cộng thêm vô vàn những thông tin ngâm tẩm, bơm xịt thuốc men, hóa chất trên trái cây, vậy là không biết từ bao giờ người ta lại "lặng lẽ" quay về với chuối, với những loại hoa quả Việt, nhất là hoa quả xứ Huế. Và bây giờ, năm hết tết về, trong lúc những lê, những táo, những xoài... giá cả ít biến động thì chuối cúng không hề rẻ. Có năm, chuối đẹp giá đến 200-250 ngàn đồng mỗi nải vẫn có người mua. Dân làm vườn lại tìm chuối về trồng, dăm bảy bụi trong vườn, chẳng tốn mấy công chăm bẵm vẫn có thể có tiền tiêu tết. Chưa kể tính toán trồng hàng hóa thì còn khá hơn.

Ngẫm chuyện đời đôi lúc cũng vui, ba cái thứ tưởng quê mùa cũ kỹ như nải chuối thờ bây chừ vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí có khi còn cao giá. Như quả mãng cầu (quả na), trước đây toàn na bở, ai cũng chê, tìm cho được na dai mới ăn, mới đẳng cấp sành điệu. Na bở bị hắt hủi, mất giống dần. Nay thì lại quay về với na bở, bảo mới chất, mới đậm đà hương vị. Có người muốn ăn phải đặt trước cho người bán hàng, 3 quả trăm rưỡi ngàn vẫn "Ok", lại còn mừng! Hoa kiểng cũng vậy, nhiều giống hoa kiểng truyền thống sau nhiều năm dài bị lãng quên nay lại lên ngôi. Đó là nói chuyện cây quả, chuyện xã hội cũng không mấy khác. Nhiều giá trị truyền thống giữa thầy với trò, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh em trong nhà, giữa dân với quan, giữa quan với dân... Có những cái cứ cho rằng lạc hậu nên không còn được xem trọng, thậm chí bị bỏ quên. Đến khi đạo đức xã hội xuống cấp, lối hành xử bạo lực trở nên phổ biến, thầy không ra thầy, trò không ra trò, cha không ra cha, con chẳng ra con, anh em nồi da xáo thịt... thì mới giật mình nhìn lại, mới kêu gọi trở về với những giá trị đạo đức truyền thống. .

Bài, ảnh: Hy Khả