Bác sĩ CK II Tôn Thất Chiểu

Xin ông cho biết, kết quả công tác DS/KHHGĐ trong thời gian qua?

Trước hết là, công tác truyền thông được đổi mới, sáng tạo từ hình thức đến nội dung tạo sức ảnh hưởng đến người dân trong thực hiện chính sách DS/KHHGĐ.

Hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh bắt đầu thực hiện từ năm 2011, nay tiếp tục thực hiện ở 152/152 xã trên toàn tỉnh. Các trường hợp sàng lọc sơ sinh nghi ngờ mắc bệnh đều được cán bộ dân số thông báo, tư vấn kịp thời cho gia đình có trẻ mắc bệnh. Đề án tiếp thị, xã hội hóa phương tiện tránh thai được triển khai góp phần làm thay đổi tư tưởng của người dân nhằm chia sẻ gánh nặng kinh phí với Nhà nước trong thực hiện KHHGĐ...

Đến cuối năm 2018, tỷ suất sinh còn 14,65%0; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,08% (đạt KH); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,21% (vượt KH); tỷ số giới tính khi sinh là 112,6 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại 71,5% (đạt KH).

Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện nghị quyết này như thế nào, thưa ông?

Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh bám sát nghị quyết để triển khai, hướng dẫn thực hiện. Trong định hướng chính sách DS mới, “Duy trì mức sinh thay thế” là nội dung đầu tiên. Trung bình, mỗi bà mẹ sinh đủ hai con. Đó là điều không thể “từ bỏ KHHGĐ”. Chi cục sẽ tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế; phấn đấu số con trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ từ 1-2 con. Củng cố, phát triển mạng lưới dịch vụ KHHGĐ. Phát triển mạng lưới, truyền thông cung cấp các dịch vụ, phương tiện KHHGD; tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập. Đa dạng hóa các phương thức cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ nhằm chia sẻ gánh nặng kinh phí với Nhà nước; chú ý các phương thức miễn phí, tiếp thị xã hội và cơ chế thị trường.

Để thực hiện được mục tiêu trên, cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể xã hội. Đặc biệt, phải tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW.

Đối với Chi cục DS/KHHGĐ, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về công tác DS và phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng các kế hoạch thực hiện các chương trình, hoạt động, dự án, đề án đã được phê duyệt nhằm đạt được các mục tiêu đề ra đối với công tác dân số trong tình hình mới.

Thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác DS trong tình hình mới là gì, thưa ông?

Thời gian qua, Chi cục DS/KHHGĐ đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ngành liên quan các hoạt động của công tác DS/KHHGĐ tiếp tục duy trì; chính sách DS/KHHGĐ được phổ biến rộng rãi đến tận người dân. Tuy nhiên, với mục tiêu cần phải đạt được trong thời gian tới, công tác dân số còn vướng nhiều khó khăn. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân về công tác DS/KHHGĐ chưa cao, chủ quan, thỏa mãn với công tác DS/KHHGĐ. Một bộ phận cán bộ, Nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa còn lệ thuộc vào phong tục, tập quán nên khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS/KHHGĐ. Kinh phí cho các hoạt động không nhiều trong khi nhiệm vụ, yêu cầu càng cao, một số nội dung chi của Chương trình mục tiêu chuyển về ngân sách tỉnh đảm bảo trong đó có kinh phí chi thù lao cho cộng tác viên còn thấp nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện các đề án. Đối tượng thụ hưởng theo các cơ sở y tế Nhà nước giảm dần bao cấp, tự chủ về tài chính nên khó khăn trong quá trình thực hiện. Thuốc, vật tư y tế, phương tiện tránh thai miễn phí không đủ đáp ứng nhu cầu thực hiện các biện pháp KHHGĐ.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo ông cần phải làm gì?

Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để các tầng lớp người dân không xem nhẹ và thỏa mãn công tác DS/KHHGĐ hiện tại. Công tác DS/KHHGĐ là ngành đặc thù nên Đảng, Nhà nước cần có chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý cho cán bộ; đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi còn chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho cán bộ dân số từ tỉnh đến cở sở, đáp ứng yêu cầu đặt ra cho ngành dân số. Song chúng tôi cũng cần sự phối hợp của các ban, ngành chức năng địa phương trong việc ổn định, phát huy tốt vai trò trách nhiệm đội ngũ cán bộ dân số tuyến huyện, thị xã.

Minh Văn (thực hiện)