Theo ước tính của ông Victor Wee, tổng thư ký Hiệp hội Nghiên cứu Du lịch ASEAN (ATRA), Đông Nam Á là nơi có khoảng 156 triệu tín đồ Phật giáo, với đầy đủ các hoạt động tôn giáo, nghi lễ và lễ hội Phật giáo, cũng như nhiều di tích văn hóa, kiến trúc và lịch sử. Nơi đây cũng bao gồm 16 trường đại học công và tư về Phật giáo.
Tuy nhiên, ông Wee cho rằng, đến nay vẫn chưa có nhiều nỗ lực để các địa điểm và di tích Phật giáo trong khu vực có thể được sử dụng nhằm phát triển và quảng bá du lịch tập trung vào tôn giáo.
Những phát hiện này là một phần trong một nghiên cứu đang được tiến hành về du lịch tâm linh ở 8 quốc gia ở Đông Nam Á - ngoại trừ Brunei và Philippines – của ATRA. Những thông tin hoàn chỉnh dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Cũng theo ông Wee, nghiên cứu này nhằm xem xét các chương trình, chính sách và cơ sở hạ tầng có thể được phát triển để phát huy lợi thế từ những di sản tôn giáo vật thể và phi vật thể trong khu vực.
Nghiên cứu cũng đồng thời kiểm tra các chiến lược quản lý điểm đến tại các địa điểm mang tính biểu tượng để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn và cải thiện tính bền vững về mặt chiến lược phân tán du lịch; và quản lý các tác động mà khách du lịch mang đến. Ngoài ra, các khuyến nghị về những yếu tố cần thiết cho du lịch tâm linh để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong khu vực cũng được đề cập đến, bao gồm đào tạo hướng dẫn viên du lịch, trang bị cho họ thông tin và cách giới thiệu cuốn hút; phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng và tiện nghi mà không gây ra tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương và môi trường; và phát triển bền vững các điểm du lịch, sản phẩm và dịch vụ.
Ông Wee cũng nói thêm rằng nghiên cứu này sẽ là một phần trong nghiên cứu của Tổ chức Du lịch LHQ (UNWTO) về du lịch tâm linh ở châu Á, bổ sung vào nghiên cứu du lịch tôn giáo đang được cơ quan du lịch toàn cầu này thực hiện trong khu vực.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ TTGAsia)