Kèm theo đơn là giấy xác nhận của các ông Lê Sáu (tức Nguyễn Tích), nguyên Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Phú Lộc), ông Lê Văn Chuân (Ka Sinh) nguyên bí thư chi bộ xã Thượng Quảng, kiêm Chủ tịch chính quyền tự quản, Phó Chủ tịch Mặt trận xã Thượng Quảng thời kỳ 1960- 1963, ông Hồ Tứi nguyên lãnh đạo xã Thượng Quảng.

 Ông Ka Sinh, nguyên bí thư chi bộ xã Thượng Quảng, kiêm Chủ tịch chính quyền tự quản, Phó Chủ tịch Mặt trận xã Thượng Quảng thời kỳ 1960- 1963 trao đổi với PV

Thỏa mãn điều kiện xác nhận liệt sĩ, nhưng lại “tắc”

 

Ông Lê Sáu từng ân hận, trăn trở: "Chính tôi cũng lãng quên họ... Tâm trạng buồn thương đồng bào Ka Tu trong hai cuộc thảm sát khiến tôi suy sụp mấy ngày nay. Nếu sức khỏe hồi phục, tôi sẽ lên Nam Đông một chuyến xác nhận, làm chế độ chính sách cho những người đã ngã xuống trong hai cuộc thảm sát ấy". "Tôi sẽ đăng ký gặp lãnh đạo huyện để họ bổ sung về một sự kiện mà Lịch sử Đảng bộ huyện đã lãng quên. Chúng ta cần tỏ lòng biết ơn những ân nhân của cách mạng đã đổ máu xương cho cuộc giải phóng dân tộc. Xã Thượng Quảng được phong anh hùng trong đó có công sức của làng T’râu".

Trong giấy xác nhận, ông Lê Sáu viết: “Tôi đã giáo dục, tổ chức bà Hồ Thị Rư ở làng T’Râu làm cơ sở liên lạc, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ của huyện, của tỉnh, của xã hoạt động nằm vùng ở Thượng Quảng... Bà bị giặc giết trong vụ thảm sát năm 1963 trong lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ. Tôi biết việc này vì tôi là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, người giao nhiệm vụ cho bà Rư trực tiếp mục kích công việc bà nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ. Sau khi nghe bà bị giặc giết, tôi đã đến tham gia việc mai táng bà.”
Theo giấy xác nhận của các ông Ka Sinh, Hồ Tứi và trao đổi trực tiếp với phóng viên (tại nhà riêng các ông này tại huyện Nam Đông), ông Ka Sinh xác nhận, biết việc bà Hồ Thị Rư làm cơ sở liên lạc, nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ và hi sinh trong trận thảm sát năm 1963. Riêng ông Hồ Tứi xác nhận về trận thảm sát làng T’Râu năm 1963. Ông lý giải, cơ sở hoạt động cách mạng luôn bí mật, ít người biết. Do đó ông không biết hoạt động nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ của bà Rư. Ông chỉ biết bà Rư bị giặc giết trong trận thảm sát năm 1963 cùng nhiều người dân khác.
Với tất cả xác nhận của những nhân chứng sống nêu trên, bà Đinh Thị Hải Đăng có nhiều đơn, gửi đến nhiều cơ quan đề nghị làm hồ sơ, suy tôn mẹ bà (Hồ Thị Rư) là liệt sỹ. Phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Nam Đông (LĐTB&XH), Sở LĐ-TB&XH cũng đã có văn bản trả lời. Theo đó, tại Công văn số 52 ngày 4-10-2013, Phòng LĐTB&XH huyện Nam Đông cho biết: “Qua đối chiếu đơn của bà Đăng và giấy xác nhận của ông Lê Sáu ngày 21-6-2013, nội dung phù hợp với điểm b, khoản 1 Điều 17, mục 3 Nghị định 31 ngày 19-4-2013 của Chính phủ”. Tức là trường hợp bà Rư thỏa mãn về điều kiện xác nhận liệt sĩ.
Công văn lại tiếp tục nêu: “Căn cứ điểm đ, khoản 2, điều 18, mục 3 Nghị định 31 ngày 9-4-2013, quy định như sau: Trách nhiệm lập hồ sơ, cấp giấy báo tử và xác nhận liệt sỹ nêu cụ thể: Người hy sinh thuộc cơ quan cấp huyện hoặc cấp xã và các trường hợp đóng trên địa bàn huyện, không thuộc quy định tại điểm a,b,c,d khoản 2, điều 18 Nghị định 31 (nói trên), do Chủ tịch UBND cấp huyện cấp giấy báo tử”. Vậy nhưng, Sở LĐ-TB&XH trả lời tại Công văn số 113 ngày 17-2-2014: “Chưa đủ cơ sở để cấp giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ đối với bà Rư”.
Cần nhanh chóng xác minh, bổ sung
Theo giải thích của bà Phan Minh Nguyệt, Trưởng Phòng có công Sở LĐTB&XH: Hồ sơ xác nhận liệt sĩ (căn cứ điều 3 Thông tư 05 ngày 15-5-2013 của Bộ LĐ-TB&XH) gồm: Giấy báo tử; Giấy tờ làm căn cứ cấp giấy báo tử. Đối chiếu các quy định thì “giấy tờ làm căn cứ để cấp giấy báo tử” đối với trường hợp bà Rư rơi vào điểm 11 điều 4 Thông tư 05 “Những trường hợp hi sinh từ ngày 31-12-1994 trở về trước đã được ghi là liệt sĩ trong giấy báo tử trận...; lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản...” hoặc rơi vào khoản 1, Điều 3, Thông tư 28 ngày 22-10-2013: “Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31-12-1994 trở về trước, có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu”.
Đối chiếu với những quy định này thì mặc dù trường hợp bà Rư được ông Lê Sáu, ông Ka Sinh - những nhân chứng sống xác nhận bằng văn bản (coi như là tài liệu có giá trị pháp lý) nhưng lại lập sau ngày 31-12-1994, nên không thỏa mãn khoản 1 Điều 3 Thông tư 28. Nội dung Công văn số 133 ngày 17-2-2014 của Sở LĐTB&XH nêu: “Qua nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đông (1945-2000) do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2003 không có thể hiện các vụ thảm sát tập thể tại làng T’Râu vào năm 1963 và không thể hiện tên của bà Hồ Thị Rư hy sinh khi làm nhiệm vụ” (không thỏa mãn điểm 11, điều 4, Thông tư 05). Chính vì vậy, Sở LĐ-TB&XH trả lời: “...chưa đủ cơ sở để cấp giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ đối với bà Rư”.
 Như vậy, chỉ vì những quy định “khập khiễng” (như khoản 1, Điều 3, Thông tư 28, mà ngay cả cán bộ Sở LĐ-TB&XH cũng thừa nhận là vô lý) mà sự hy sinh của bà Rư đến nay vẫn không được “thừa nhận”. Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang tích cực rà soát, để suy tôn những liệt sĩ hy sinh vì đất nước, thì tại sao Huyện ủy, UBND huyện Nam Đông và các cơ quan chức năng không nhanh chóng “xắn tay” làm những việc nên và phải làm.
Đó là, không thể “vin” vào “sự kiện” Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đông không thể hiện các trận thảm sát năm 1963, để trả lời “chưa đủ căn cứ...”. Lịch sử Đảng bộ, tuy được xuất bản, nhưng có thể chưa phản ánh đầy đủ những sự kiện đó, thì cần được bổ sung, tái bản. Bởi các trận thảm sát tại làng T’Râu năm 1963 và sự hy sinh của biết bao người dân, cán bộ, là sự kiện lịch sử đau thương, bi hùng. Nhân chứng sống - những người từng giữ những chức vụ lãnh đạo tại địa phương đó, trong thời kỳ đó đã xác nhận điều này. Nếu không hành động, đến một ngày, những nhân chứng sống lần lượt không còn, sự hy sinh của những người hiến dâng máu xương cho đất nước bị rơi vào quên lãng. Như vậy chúng ta thật có lỗi với liệt sĩ, lẽ ra cần được trân trọng tri ân.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh