Theo PGS.TS. Võ Thanh Tùng, đây là năm nhà trường có sự thay đổi lớn về việc mở đến 8 ngành mới và tạm dừng 4 ngành khó tuyển. Hướng mở ngành mới chủ yếu là các ngành kỹ thuật và ứng dụng, ít nhiều có ảnh hưởng tương lai các ngành khoa học cơ bản.
PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, ĐH Huế
Xin PGS nói rõ hơn về việc thay đổi ngành trong mùa tuyển sinh năm nay?
Mùa tuyển sinh 2019, nhà trường tạm ngừng tuyển 4 ngành là toán ứng dụng, sinh học, địa lý tự nhiên, địa chất học; đồng thời, mở mới 8 ngành là quản lý nhà nước, công nghệ kỹ thuật hóa học, quy hoạch vùng và đô thị, kỹ thuật phần mềm, địa kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật sinh học, toán kinh tế và kỹ thuật môi trường.
Các ngành tạm dừng do những năm qua tuyển sinh khó khăn, thậm chí không có người học, đó là các ngành thuộc khối khoa học cơ bản. Các ngành mới mở tập trung hướng ứng dụng và kỹ thuật, chương trình đào tạo khoảng 4,5 năm. Sinh viên ra trường trở thành kỹ sư, cơ hội việc làm cho người học cao hơn. Việc mở mới các ngành trải đều ở hầu hết các khoa thuộc trường.
Nhà trường có tiếng là đơn vị đào tạo khoa học cơ bản, việc mở mới các ngành liệu có ảnh hưởng đến chiến lược hoạt động không, thưa PGS?
Sứ mạng của trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và kỹ thuật - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Theo đó, bên cạnh khoa học cơ bản, chúng tôi vẫn hướng đến đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ nên việc mở ngành mới không ảnh hưởng đến sứ mạng và chiến lược.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa chúng tôi không trăn trở. Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế là đơn vị có truyền thống đào tạo nhiều ngành khoa học cơ bản. Khoa học cơ bản là gốc, rất quan trọng. Nếu tạm dừng trong thời gian dài, nguy cơ mở lại và thu hút sinh viên rất khó. Lúc đó vấn đề tìm đâu ra đội ngũ nghiên cứu về toán, sinh, hóa… sẽ rất nan giải.
Hiện tại, các khoa vẫn còn giữ những ngành khoa học cơ bản. Tuy nhiên xu hướng thí sinh chọn lựa các ngành khoa học cơ bản giảm, như năm ngoái có một số ngành chưa tới 20 sinh viên. Về lâu dài, nếu không có thí sinh, phương án tạm dừng buộc phải xảy ra với những ngành đó và chuyện ảnh hưởng đến khoa học cơ bản là tất yếu. Đó là không chỉ là trăn trở của trường mà còn của xã hội.
Thời điểm hiện nay, các ngành kỹ thuật và ứng dụng ra đời đáp ứng nhu cầu xã hội, thị trường lao động. Bối cảnh những ngành có ưu thế có việc làm tốt sẽ được sinh viên lựa chọn, điều này phần nào ảnh hưởng đến khoa học cơ bản trong vấn đề tuyển sinh, thu hút người học.
Biết vậy sao trường vẫn mở ngành mới, thưa PGS?
Trước tiên, phải khẳng định là chúng tôi được quyền mở các ngành theo đúng các quy định của pháp luật. Khi mở ngành, đã có quá trình khảo sát rất kỹ, từ nhu cầu xã hội, thị trường lao động, làm việc với các doanh nghiệp. Quy trình để làm đề án mở ngành đến duyệt khá chặt chẽ từ khoa lên trường đến ĐH Huế…
Hiện nay, các trường phải tiến đến tự chủ, trong khi đó học phí lại là nguồn thu chính. Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cũng không ngoại lệ. Nếu không có sinh viên, lấy đâu ra kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trường học. Hơn thế, nếu không có người học, chắc chắn ảnh hưởng sự tồn tại của các khoa và trường.
Năm 2018, một số ngành khoa học cơ bản tại Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế có rất ít thí sinh
Định hướng lâu nay của sinh viên là học gì để ra trường có việc làm, đó là áp lực cho các khoa. Phải đào tạo ngành nào sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc doanh nghiệp, cơ hội thực tập, thực tế nhiều thì sinh viên mới lựa chọn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vừa được Quốc hội thông qua, các trường được trao quyền nhiều hơn, ở khía cạnh nào đó tính cạnh tranh cũng cao hơn. Bối cảnh chung các trường đều mở ngành mới theo nhu cầu xã hội, nếu đơn vị mình không mở thì phần nào khó khăn trong cạnh tranh, thu hút người học.
Cái khó nữa là giải quyết giờ giảng cho giảng viên. Tuyển sinh khó khăn, giảng viên thiếu giờ dạy không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn ảnh hưởng thi đua và nhiều vấn đề khác. Điều đáng nói là, các khoa truyền thống tại trường có đội ngũ mạnh thì vừa qua lượng sinh viên đầu vào ít. Giải quyết bài toán giờ giảng cho cán bộ, giảng viên cũng là vấn đề lãnh đạo nhà trường rất trăn trở.
Điều đó đồng nghĩa với “bịt đường sống” của các ngành khoa học cơ bản?
Tôi xin nhấn mạnh là tạm dừng chứ không phải bỏ. Trong thời gian tới, nếu xã hội có nhu cầu, sẽ mở lại các ngành đó. Vấn đề nữa là không phải dừng tuyển toàn bộ các ngành khoa học cơ bản. Năm nay chỉ tạm dừng 4 ngành, các ngành khoa học cơ bản còn lại vẫn tuyển sinh song song với các ngành mới mở theo hướng ứng dụng và kỹ thuật.
Có một thực tế phải thừa nhận là các ngành dừng tuyển là những ngành quá khó khăn, nhiều năm tuyển sinh không có người học nên buộc phải tạm dừng. Nếu tiếp tục tuyển, tình hình hiện nay được dự báo cũng chưa khả quan, khó khăn sẽ kéo dài. Nhà trường cũng không thể bắt thí sinh phải lựa chọn các ngành khoa học cơ bản, bởi học ra không có việc làm, họ không chọn là điều dễ hiểu.
Nhà trường có giải pháp gì cho các ngành khoa học cơ bản, thưa PGS?
Chúng tôi vẫn tiến hành quảng bá tuyển sinh, giới thiệu các ngành khoa học cơ bản song song với các ngành mới mở, qua nhiều kênh như đi quảng bá trực tiếp, quảng bá trực tuyến, thông qua đội ngũ sinh viên, tình nguyện viên. Nhà trường nỗ lực hết sức trong việc chuyển tải thông tin đến với thí sinh để họ biết và lựa chọn.
Cần phải nhìn nhận, xu thế và bối cảnh chung thì dù trăn trở nhưng đôi khi lực bất tòng tâm. Khoa học cơ bản lâu nay đã là khó khăn chung của cả nước. Đơn cử, học sinh chuyên toán, hóa tại các trường có tiếng hiện nay ít theo học ngành học này khi lên ĐH mà chuyển sang học y dược, các ngành hot khác.
Các trường đào tạo khoa học cơ bản và ngay cả lãnh đạo Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế đã đem vấn đề này ra phát biểu rất nhiều cuộc họp với các ban ngành chức năng. Đại diện ban giám hiệu trưởng cũng có bày tỏ với Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ban ngành trong chuyến công tác đầu năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác, nhấn mạnh thách thức của khoa học cơ bản trong bối cảnh hiện nay. Thực sự, nếu Nhà nước không có sự hỗ trợ, cơ chế để duy trì đào tạo chỉ tiêu các ngành khoa học cơ bản ở số lượng tương đối, cơ chế việc làm thì hiển nhiên nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến khoa học cơ bản.
Xu hướng thời gian tới, liệu có tiếp tục mở thêm ngành mới nhiều như năm nay?
Chúng tôi phải xem xét kỹ lưỡng nhiều mặt, vì nếu mở ngành mà điều kiện chưa đảm bảo là phản tác dụng. Trong đó, phải chú ý đến đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo… khi mọi thứ đáp ứng mới tiến hành quy trình làm đề án mở ngành.
Vừa qua, hội đồng trường cũng đã tiến hành họp. Sau đợt mở ngành mới năm nay, về cơ bản sẽ ổn định trong thời gian tới, ít nhất một vài năm tới sẽ không mở thêm ngành một cách ồ ạt.
Xin cảm ơn PGS!
HỮU PHÚC (thực hiện)