Người dân Bangkok mang khẩu trang bảo vệ khi ô nhiễm không khí trong thành phố chạm mức nghiêm trọng. Ảnh: Nikkei

Bất chấp những nỗ lực khác nhau của các Chính phủ để chống lại ô nhiễm không khí độc hại, tình trạng này dường như vẫn tồn tại khi tất cả đều phải đối mặt với khó khăn trong việc cân bằng tăng trưởng kinh tế và những cải thiện cho môi trường.

Trong nhiều tuần, Bangkok (Thái Lan) chìm trong khói bụi. Sự kết hợp của giao thông đông đúc, các công trình xây dựng, đốt các loại cây trồng, hoạt động của các nhà máy, sản xuất điện bằng than dẫn đến không khí độc hại.

Chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đang gấp rút thực hiện những biện pháp để cải thiện tình hình, như dùng máy bay phun 3.000 lít nước nhằm làm sạch không khí, đồng thời tìm kiếm giải pháp để khuyến khích người lái xe sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Chính phủ ban hành cảnh báo khói bụi ở nhiều khu vực trong nước, bao gồm cả thủ đô Seoul, sau khi chất lượng không khí chạm mức tồi tệ nhất kể từ năm 2015. Seoul đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để chống lại mức độ ô nhiễm kỷ lục. Bộ Môi trường Hàn Quốc cấm khoảng 320.000 xe tải chạy bằng diesel cũ vào thành phố; các khu vực xây dựng được yêu cầu cắt giảm giờ làm việc…

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang phải vật lộn với ô nhiễm không khí độc hại. Quốc gia này hứng chịu ô nhiễm trong nhiều năm, nhưng tình hình dường như đang xấu đi. Hồi năm ngoái, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, 9 trong số đó nằm ở Ấn Độ.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei)