Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi với Nhân dân. Ảnh: Tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, cần thiết của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân ở các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Năm nay, nhiệm vụ đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn bởi đây là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 -2019), đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị với chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đã vạch ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cho cả hôm nay và mai sau. Ôn lại Di chúc thiêng liêng của Người, chúng ta càng nhận thức sâu sắc về tư tưởng yêu dân, trọng dân.
UNESCO từng nhận định: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của Nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng dân tộc trong việc khẳng định bản sắc và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”. Tiêu biểu cho những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một nhà văn hóa lớn được Nhân dân trong nước và nhân loại tiến bộ trên thế giới ngưỡng mộ, kính trọng và tôn vinh.
Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và trong Di chúc của Bác, các quan điểm về “Nhân dân” là một nội dung cơ bản và chiếm vị trí trung tâm, chi phối. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân, Đảng ta đã đề ra chủ trương phải: Trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và nâng cao trách nhiệm với Nhân dân. Qua thực tiễn cách mạng, một trong những bài học chủ yếu mà Đảng ta rút ra là “Lấy dân làm gốc”, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và tăng cường mặt trận dân tộc thống nhất. Những thắng lợi trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhờ Đảng ta biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống yêu nước và cách mạng, sự năng động, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước được khơi dậy và phát huy cao độ, sự nghiệp cách mạng thật sự là sự nghiệp của quần chúng nhân dân.
Phát huy thành quả của những năm qua, bước vào năm mới, Thừa Thiên Huế phấn đấu theo mục tiêu: Chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu; phát triển du lịch - dịch vụ; công nghệ thông tin và nâng cao năng suất lao động. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Đồng thời, phải hết sức xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, chăm lo đời sống Nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, là ngọn hải đăng dẫn dắt bước đường cách mạng cho toàn dân tộc Việt Nam đi tới tương lai tươi sáng; nhắc nhở chúng ta cần phải nêu gương trong sinh hoạt và công tác, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm và thật sự kính trọng lễ phép với Nhân dân.
PHAN CÔNG TUYÊN