Ký ức một thời
Cứ mỗi chiều thứ 7 và Chủ Nhật, tôi cùng với gia đình khi thì ra Bia Quốc Học, Nhà Kèn khi tới tiền sảnh Khách sạn 5 sao Indochine Palace để nghe ban nhạc Phillipines chơi nhạc nhẹ. Ban nhạc chơi rất hay, chuyên nghiệp nên lượng khách xem rất đông, muốn xem thật rõ thì không có cách nào khác thì phải đi sớm để giành chỗ ngồi.
Thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó cũng đã hơn 5 năm rồi, Huế vắng bóng những bạn nhạc, những kiểu chơi nhạc đường phố như thế. Nhiều người dân Huế, trong đó có gia đình tôi thầm tiếc nuối, tại sao một sân chơi âm nhạc thú vị và bổ ích như thế lại không còn nữa? Cũng có lý do tế nhị được đưa ra để lý giải cho vấn đề này, đó chính là không có kinh phí để duy trì ca nhạc thường xuyên, bởi một lần tổ chức như thế phải có chi phí bồi dưỡng cho nhạc công, ca sĩ.
Tham gia trong ban nhạc đường phố lâu năm ở Huế tại mỗi kỳ Festival Huế, nhạc công guitar Phan Nhật Bình nói rằng: “Mình cũng muốn cống hiến nhiều cho giải trí của Huế, nhất là muốn lan tỏa hình thức âm nhạc cộng đồng ra với du khách cũng như người yêu nhạc, song vì lý do kinh tế, chơi miễn phí hoài cũng không được, ai lo kinh tế cho mình và cho gia đình mình đây, buộc lòng mình phải dừng lại cuộc chơi này mà tập trung vào chuyện đi show đám cưới, đảm hỏi, sinh nhật, chơi nhạc tại phòng trà, quán bar để mưu sinh”. Đó cũng là lý do chung của nhiều nhạc công, ca sĩ khi được hỏi về chuyện biểu diễn âm nhạc đường phố như vậy.
Cần duy trì
Mới đây, nhân sự kiện lễ hội halloween vào cuối tháng 10/2018, tôi cũng cùng gia đình đến phố Tây ở Huế trên đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu để hòa cùng dòng người đi bộ, tham gia lễ hội hóa trang hưởng ứng halloween. Đến đây, bất chợt tôi được thưởng thức lại sân chơi âm nhạc đường phố do các nhà hàng, quán cà phê ở đây tổ chức. Dọc các con đường này, tôi đếm cũng có đến hơn 6 ban nhạc chơi đủ các thể loại nhạc từ rock, rap cho đến pop, nhạc ngoại, nhạc Việt làm cho đường phố thêm sôi động. Lượng người đổ về đây đông. Trò chuyện với tôi, nhiều du khách nước ngoài đứng xem biểu diễn ca nhạc hứng thú bảo rằng, việc tổ chức âm nhạc đường phố như thế này nếu được duy trì thường xuyên thì quá tuyệt vời, bởi âm nhạc lúc nào cũng được mọi người yêu thích, đặc biệt âm nhạc đường phố là một loại hình âm nhạc gần gũi với quần chúng, họ chơi một cách phóng khoáng, mộc mạc khác hẳn với biểu diễn trên những sân khấu ca nhạc lớn.
Nhạc công guitar bass Tôn Toàn nói: “Hiện nay, phố đi bộ ở Huế mới chỉ tổ chức những đêm âm nhạc đường phố nhân các sự kiện hoặc lễ hội lớn chứ chưa được tổ chức thường xuyên. Qua những lần chơi nhạc như thế, chúng tôi nhận thấy người dân cũng như du khách rất thích thú, song những người tổ chức âm nhạc họ phải cân đối kinh phí, chọn đúng thời điểm để tổ chức âm nhạc vì thuê trọn cả ban nhạc cũng lắm tiền. Mong rằng, Huế mình ngày càng có nhiều sân chơi ca nhạc cộng đồng như thế để hấp dẫn du khách gần xa”.
Huế đang từng bước xây dựng trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước. Bên cạnh duy trì và phát huy lợi thế lâu nay của du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch tâm linh… thì các điểm vui chơi, giải trí, trong đó có sân chơi âm nhạc đường phố cũng cần các ngành chức năng về du lịch tính đến chuyện đầu tư thật lớn để lôi kéo, níu chân du khách lưu trú nhằm tăng thêm doanh thu cho ngân sách, cho người dân. Huế không thiếu những nhạc công, ca sĩ, bởi lợi thế ở Huế có học viện âm nhạc lớn, có nhà hát nghệ thuật, Trường văn hóa nghệ thuật, rồi biết bao nhạc công, ca sĩ tự do đang hành nghề trên địa bàn, nhưng hiện nay Huế thiếu chăng chỉ là nhà tổ chức chuyên nghiệp…!?
Gia Hân