Có những lúc “trà dư, tửu hậu”, thế hệ 7x trở về trước như chúng tôi ngẫm lại thấy hình như thằng con trai Huế nào cũng có 3 thứ: học võ, học đàn và làm thơ/viết văn. Phần lớn ông nào học võ giỏi thì đàn và viết văn cũng kha khá. Riêng về làm thơ, ông nào cũng làm được, nhưng về cơ bản là viết… dở.

Biểu diễn lân sư rồng ngày xuân trong Đại Nội

Có lẽ một thời gian dài ông trời cứ cho Huế 6 tháng nắng, 6 tháng mưa đã làm nên sự cân bằng đó trong con người xứ Huế. Có người nói điều đó hay cho cảm nhận cuộc sống, nhưng cũng là yếu tố làm cho người Huế thiếu đi khát vọng và tích cực vươn lên.

Nét Huế

Tôi thì tin, mỗi vùng đất có một sứ mệnh của nó và điều đó tác động lên con người, bằng một cách thức nào đó để thực hiện sứ mệnh đó trên chính vùng đất đó. Sứ mệnh của đất Huế này là phải gìn giữ phần di sản còn nguyên vẹn, đồng bộ nhất của văn hóa, lịch sử đất Việt, nên nó cần có những con người cân bằng, chậm rãi, thậm chí hơi bảo thủ một tý. Huế mà cứ sốt ruột, năng động nhắm mắt chạy đua theo các địa phương mới nổi về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) - phần lớn đột biến nhờ những dự án công nghiệp nặng - thì có ngày, Huế cũng không còn là Huế nữa.

Gói bánh ngày Xuân

Đã có những tháng năm dài trên cả thành phố này không có một cái cần cẩu tháp nào, không có một tòa nhà nhà nào mới mọc lên. Người Huế lao xao buồn. Sự trầm mặc, trầm tư của những thành quách cũ lây lan qua con người. Có những câu hỏi như những mối băn khoăn dài, rằng tại sao người Huế đi xa thì thành công, nhưng ở Huế thì không làm được chi cả?

Du khách thăm Huế ngày mưa

Tôi may mắn có dịp gặp nhiều người Huế thành đạt, đang lãnh đạo những công ty hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam như anh Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, anh Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Trường Hải, anh Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tôn Đông Á. Tôi cũng may mắn được kết thân với rất nhiều bạn trẻ người Huế, không kiếm được việc làm ở Huế, nên đành rời Huế ra đi. Và ở đó tôi hiểu được một điều, để một con người phát triển được bản thân, chúng ta cần cả một hệ sinh thái. Ở đó, mọi người đều “cởi trói” cho nhau, nhìn nhau bằng sự khuyến khích thay vì chỉ trích, vị tha để nhìn nhận cái mới. Cần có một tầm nhìn tương đồng với xu thế phát triển của thế giới hiện đại, thay vì chỉ nhìn quanh quẩn đâu đó chung quanh mình hay thay vì cố để bảo vệ một cách mặc định cái đang có... Lẽ dĩ nhiên, chính quyền đóng vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt, nhưng tiến trình xây dựng hệ sinh thái sẽ nhanh hơn nếu mỗi chúng ta đều ý thức vấn đề này.

Phút nghỉ ngơi trên đầm Lập An

Huế bây giờ đang thay da đổi thịt. Rất nhiều doanh nghiệp lớn từ muôn nơi đang tìm đến Huế đầu tư. Các bạn trẻ thân yêu đang ở những phương trời xa xôi của tôi liên tục nhắn tin háo hức mong chờ một ngày trở về sống và làm việc trên quê hương yêu dấu. Cơ hội đang đến cho Huế. Đã là cơ hội thì không bao giờ là mãi mãi. Không biết tận dụng thì nó sẽ ra đi mà không để lại gì và, càng khó quay trở lại. Có thừa cẩn trọng, nhưng không biết Huế có thể làm tốt trong lần này để nắm bắt cơ hội và biến cơ hội thành thành quả cụ thể.

Hoa giấy Thanh Tiên vào vụ Tết

Tôi nghĩ, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ và cách ứng xử của mỗi người...

Bài: Thủy Tiên
Ảnh: Anh Quân - B. Minh