Con ra xem má (anh/chị) làm mà bắt chước nì. Sau lớn còn biết mà làm với người ta…”. Câu nớ, hồi nhỏ tôi nghe hoài nghe hủy. Lắm khi cũng cảm thấy ức chế dễ sợ vì lúc mô cũng vì người ta, người ta. Lúc nớ tôi cũng không mấy tường người ta là những ai, ra răng mà má tôi hay lấy ra làm uy lực. Rứa nên lắm khi cung cúc dạ với má, mà lòng trẻ con thì thấy ấm ức thôi rồi. Mà răng không ấm ức cho được khi tụi bạn hàng xóm thì bày đủ trò để chơi dưới khoảng sân tập thể, mình còn phải lo xem cách luộc rau, xáo xới nồi cơm, lắc nồi cá, cời bếp trấu hay giã ớt tỏi đúng kiểu. Chuyện thường ngày, nghe chừng dễ ợt nhưng lắm khi tôi làm vẫn không được như ý, nên khép nép nghe lời la của má. Đồng nghĩa với việc không được chạy xuống khoảng sân vui vẻ dưới nớ.

Ngẫm lại, tôi sau này có lúc vẫn cảm thấy rõ là mình đã nỗ lực quá. Ngay cái chuyện vừa cời bếp trấu, hay cời lũ vỏ xa xị lộn nhộn lạo nhạo mà vẫn phải làm răng cho cơm chín đều, cho rau luộc xanh và giòn, nước luộc phải trong có vẻ quá sức với đôi tay bé nhỏ. Nhớ nhiều bữa, ba má dặn và bày chị em tôi cách gắp thức ăn răng cho gọn, cho đẹp. Dặn có thức ăn ngon, cũng phải biết nhường nhịn để người ta trông vào biết con nhà gia giáo. Hồi nớ thức ăn ngon, cũng chỉ là nồi cá long hội, là chút thịt bèo nhèo sau khi má lóc hết để chiên mỡ cất dành cho cả tháng. Có hôm ba thịt con vịt nhà nuôi, cũng phải cất dành cho mấy bữa…

Hồi nớ, tôi thích nhất là mấy ngày gần tết. Đó là lúc má kiếm đâu ra được ít than và mua được bột mì, cộng với ít trứng gà dành để làm bánh. Những hôm đó, thời gian cơ chừng đập cùng háo hức. Má kêu mấy chị em xúm quanh, bày cách pha, đảo bột, đánh trứng, trải báo lót lên cái mẹt tre rồi bắc cái khuôn bánh bằng đồng của nhà bên lên bếp than. Mùi bánh một lúc đã ngào ngạt cả gian nhà. Tôi nhớ lúc đó mình đã ước chi lũ bánh đó, chỉ là của tôi thôi. Nhớ mình nghĩ má không để ý, nhón nhén bốc một cái ngoài rìa rồi chạy ra hành lang hẹp thưởng thức từng chút một. Khuya nớ, khi tụi bánh thuẫn đã nép trong hũ nhựa, nhà đã được dọn sạch, má nói khi lên giường ngủ là đã gói riêng cho út ít mấy cái trong chạn. Dặn tôi tết nhất đến nhà người ta, cũng phải biết khép nép không người ta cười. Nhà người ta biết đâu có nhiều thứ, nhà mình chỉ có bánh, nên chị em con cũng phải biết cất nép, dành dụm…Tôi hồi đó không nghĩ nhiều đến những lời dặn mà chỉ thích vùi vào người má đang thơm mùi bánh. Và một háo hức tết cũng chẳng vì rứa mà hao hụt đi.

Chị em tôi cứ rứa mà lớn lên cùng những bày vẽ của ba má. Chừ thấy hồi nớ, cái “người ta” cũng đơn thuần. Cũng có thể vì hồi đó, tôi còn nhỏ nên người ta chỉ là chuyện ăn chuyện ở, cách thức chào hỏi, thưa dạ và một nếp nhà thuần hậu. Nhưng thiệt, hồi đó chừng như nghèo là chuyện thường tình, nên thấy cuộc sống lúc mô cũng chan chứa…

Vào đời, dần dà tôi nhận ra, cách mà ba má bày để cư xử với người ta, thực ra là những bài học đầu tiên về việc sống với người đời. Nhân gian muôn trùng, và đâu phải nơi chốn nào cũng bình yên như khung trời của ba má, nên mỗi người cũng phải biết cách tự lớn. Là tôi nói vậy thôi, chớ cái tự lớn nớ, không ai giống ai và không phải hoàn cảnh mô cũng như hoàn cảnh mô. Mà người đời lạ lắm khi không phải chuyện của mình mà cũng hay bỏ nhỏ. Không phải việc của mình mà cũng lời vào lời ra. Tôi nhiều khi ngơ ngác, không phải vì nghe người ta bàn chuyện vĩ mô mà chỉ vì không hiểu tại sao người ta cứ lấy vẻ tinh tường làm trọng? Thấy người ta bàn chuyện người ni người tê mà việc của chính họ sao vẫn dở tường dở tận. Lắm khi nghe chuyện rất xa xôi, tôi lại nhủ mình thôi cứ lo nhìn gần, đi làm răng cho khỏi vấp. Thì cũng nói vậy thôi, chớ thiên hạ cũng vạn biến. Người ngay nhưng nước chảy lắm dòng, dù sông dài và biển vẫn mênh mông.

Hồi ba còn ở, mỗi khi có chuyện ấm ức, tôi hay đem về kể, như một cách hỏi. Cách mà ba lắng nghe, rồi từ tốn gỡ tôi ra khỏi những ấm ức sau này tôi học mãi mà đôi lúc không thuộc, nên đôi khi nghĩ lại, thấy mình bước trên đường vẫn còn hẫng. Không vấp ngã nhưng cuối cùng đã có thêm những dấu nặng. Khi nhận ra điều đó, tôi học ba, không phải cách buông bỏ mà là làm thế nào để mọi thứ đều giãn ra, nhẹ đi. Như hôm nọ, đặt mấy nhánh hoa lên vùng đất chỉ còn nắng và gió mà ba đang cư ngụ, tôi không còn thấy buồn, lại còn có thể cười chút ít khi nhớ đọc ở đâu đó, đại ý người ta nói những ngọn đồi làm gì có thung lũng. Ba của tôi đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn và bao dung hơn khi đã từng hỏi tôi, con thích ăn canh khổ qua phải không? Ba thích con tự nấu, đắng thì thêm tôm, chêm gia vị vừa đủ. Ba cũng thấy con ưng món nấm tràm nữa. Nhớ học người ta, làm sạch bụi bẩn và những chỗ hư hao…

Tôi từ nghe lời má, nhớ lời ba và cũng đã học được nhiều thứ của người ta trên mỗi đường mình qua. Không phải là không vấp nữa. Không phải là không hụt hẫng nữa nhưng chí ít thì cũng biết biết, để nhận chân một ai đó. Chẳng như hôm qua có một người ta làm vỡ một giao kèo, làm tôi hay mình đã quá tin người. Một người ta khác bảo, rứa cũng tốt, lần sau em sẽ biết cách an yên.

Ừa lúc nớ, người ta là người đời, nhưng cũng chính trong lúc nớ - chẳng hạn - tôi có một người ta không phải là người dưng. Nên thấy vẫn dễ thương khi cuộc đời vẫn có lòng tin, và sự thấu hiểu.

Cho dù không phải là số đông, nhưng tôi đủ để tin, những “người ta” mà mình có đâu đó, vẫn không mất đi trong dòng đời đang chảy…

Hoàng Mai