Cơ sở sản xuất nem chả được đầu tư bài bản, đảm bảo ATVSTP trên đường Đào Duy Từ, TP. Huế

Nhiều cơ sở vi phạm

Thừa Thiên Huế vốn nổi tiếng với các sản phẩm nem chả truyền thống, có mặt trên khắp các tỉnh, thành cả nước, với hàng trăm cơ sở (CS) chế biến nem chả lớn nhỏ; tập trung chủ yếu ở vùng đô thị Huế, trong đó còn nhiều CS chưa chấp hành các quy định ATVSTP.

Tại CS nem chả của bà Nguyễn Thị H. (phường Hương Long, TP. Huế), khu sản xuất này rất nhếch nhác. Trên sân, từng đống lá chuối dùng gói nem chả vương vãi trên nền đất, sát bên là chuồng gà. Trong bếp, hai nhân viên cắt và xay thịt đều không mang bao tay và các vật dụng vệ sinh, bảo hộ lao động. Tất cả các công đoạn sản xuất đều diễn ra trên nền nhà. Bằng mắt thường, lực lượng chức năng cũng có thể quan sát được, CS này không đảm bảo ATVSTP.

Trước đó (tháng 9/2017), CS trên đã bị CCQLCLNLTS xử phạt 5 triệu đồng, với hành vi không có biện pháp quản lý chất thải phù hợp, trong khu vực sản xuất thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Kiểm tra đột xuất một CS chế biến nem chả khác trên đường Lý Nam Đế (phường Hương Long, TP. Huế), lực lượng chức năng cũng ghi nhận tình trạng mất VSATTP với khu nền nhà bẩn, các vật dụng để ngổn ngang…

Ông Phan Văn Tâm, Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế-CCQLCLNLTS cho biết, ngoài những vi phạm về vệ sinh môi trường, một số CS dù có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP nhưng phần lớn nguyên liệu chế biến của các CS này đều không có nguồn gốc rõ ràng. Để giò, chả dai, giòn và bảo quản được lâu, nhiều CS sản xuất đã sử dụng thêm các phụ gia.

“Các phụ gia sử dụng nếu đúng tiêu chuẩn, xuất xứ thì vẫn cho phép. Tuy nhiên, nhiều CS bị xử phạt do các phụ gia này đã quá hạn sử dụng”, ông Tâm nói.

Lực lượng thanh tra lấy mẫu kiểm tra tại một cơ sở sản xuất nem chả tại TP. Huế

Trọng điểm là dịp tết

Ông Phan Văn Tâm thông tin, năm 2018, CCQLCLNLTS tiến hành thanh tra tại 140 CS sản xuất kinh doanh và 20 DN; kết quả có 18 CS vi phạm và bị xử phạt với tổng số tiền 82 triệu đồng, tập trung nhiều ở lĩnh vực sản xuất nem chả. Trong thời điểm cận tết như hiện nay, các CS sản xuất, DN đều tăng cường sản lượng, công tác kiểm tra các CS sản xuất thực phẩm, trong đó có nem chả, đơn vị càng chú trọng hơn nhằm đảm bảo ATVSTP cho người dân dịp tết.

Theo CCQLCLNLTS, việc sản xuất, chế biến nem chả mất vệ sinh, kèm theo việc sử dụng phụ gia, hóa chất không xuất xứ, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng đang là tình trạng ở một số CS sản xuất nem chả trên địa bàn. Điều này không chỉ gây tâm lý bất an mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người dùng.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng CCQLCLNLTS cho hay, vi phạm của các CS chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP theo quy định hoặc có nhưng đã hết thời hạn trên 3 tháng; không thực hiện cập nhật kiến thức ATVSTP theo quy định, sử dụng nguyên liệu không bảo đảm ATVSTP để sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe đã quá thời hạn, sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn sử dụng.

CCQLCLNLTS cho rằng, phần lớn các CS chế biến nem chả trên địa bàn TP. Huế, thời gian gần đây đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng, mua sắm thêm máy móc trong chế biến, đảm bảo đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Tuy nhiên, thực trạng chế biến nem chả nhếch nhác và không đảm bảo vệ sinh vẫn đang còn diễn ra, tại một số CS trên địa bàn. Cùng với công tác thanh, kiểm tra tại CS, lực lượng chức năng đồng thời tiến hành công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đối với chủ CS; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất thực phẩm an toàn, nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Theo CCQLCLNLTS, từ năm 2014 đến nay, có khoảng 350 CS sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được CCQLCLNLTS cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Mỗi năm có từ 30-40 CS được cấp giấy chứng nhận mới. Kết quả lấy mẫu giám sát hằng năm, chủ động phát hiện các vi phạm trong hoạt động chế biến thực phẩm nem chả cũng được tiến hành thường xuyên nhằm đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Hà Nguyên