Khách mua sắm tăng cao, nhiều shop thời trang có nhu cầu tuyển thêm nhân viên bán hàng. (Ảnh minh họa)

Việc nhiều, lương khá

Tốt nghiệp trung cấp điện, trong khi chờ việc, Long xin vào làm cộng tác viên giao nhận và lắp đặt máy móc tại trung tâm điện máy một tháng nay. Ở vị trí cộng tác viên, thu nhập của Long được tính dựa trên năng suất làm việc. Với số lượng đơn hàng lớn, thường xuyên và ổn định, thu nhập của Long có khi lên đến 500.000 đồng/ngày. Long kể, cuối năm, hầu như gia đình nào cũng sắm sửa đồ mới, từ ti vi, tủ lạnh, máy giặt đến hàng gia dụng nên công việc mỗi ngày của Long càng tất bật, nhiều khi bỏ cả bữa trưa để kịp giao hàng cho khách. Bù lại, đây là một công việc tốt với sinh viên mới ra trường như Long.

Quanh năm tất bật với công việc phụ thợ nề ở các công trình xây dựng, mỗi dịp giáp tết, khi các công trình rục rịch “rửa bay” nghỉ tết, anh Hoàng lại tìm việc làm thêm. Xu thế mua hàng online tăng cao nên anh xin làm chân giao hàng cho các tiệm bánh, trái cây, shop quần áo. Lương được tính theo doanh số, có ngày lên đến cả trăm đơn hàng nên chỉ vài tuần trước tết, anh Hoàng cũng kiếm được trên 7 triệu đồng. Anh Hoàng cho biết: “Tết đến, ai cũng có nhu cầu mua sắm nên đơn hàng online cũng nhiều hơn. Chỉ giao hàng quanh thành phố nhưng mỗi ngày tôi đi đến vài chục cây số. Mệt nhưng cũng cố gắng để có tiền lo tết cho gia đình”.

Càng cận tết, công việc của những người lao động tự do càng nhiều khi nhu cầu mua sắm, dọn dẹp nhà cửa tăng cao. Trong dòng người bận rộn những ngày cuối năm, không khó để nhận ra vẻ lam lũ, nhọc nhằn của những anh xe ôm, người giao hàng, những người thợ sửa xe, sửa giày dép, quần áo… Họ đang chạy đua với thời gian, kiếm thêm chút tiền để trang trải cho gia đình trong dịp tết. Thế nên, giáp tết được xem là mùa kiếm cơm với người lao động. Ông Hùng, một người chạy xe ba gác cười tươi kể: “Năm nào cũng vậy, đến dịp này, nhu cầu vận chuyển tăng cao. Ngày nào tôi cũng dày chuyến, có khi kiếm được 700 ngàn đồng– 1 triệu đồng/ngày. Không phải ngày nào cũng có nhiều việc như thời điểm giáp tết nên tui cố gắng làm thêm đến đêm 30 tết”.

Khan hiếm lao động

Khi tết đến gần, nhu cầu tuyển lao động thời vụ tăng cao. Những công việc, như: nhân viên thị trường, bán hàng, phục vụ nhà hàng, quán cà phê, nhân viên làm tóc và dọn dẹp nhà cửa… cần thêm nhiều lao động. Ông Bùi Khanh, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho hay: “Nhu cầu tuyển lao động thời vụ phục vụ vào dịp tết đang tăng cao. Hiện nay, các cơ sở, doanh nghiệp đang tuyển khoảng 50-70 lao động thời vụ tại trung tâm, chủ yếu là nhân viên thị trường, bán hàng, giúp việc gia đình… Mức lương cao hơn bình thường khoảng 500-700 nghìn đồng/tháng, có nơi trả lương theo doanh số”.

Để tuyển được lao động có tay nghề phù hợp trong thời điểm hiện nay cũng không dễ dàng. Ông Khanh cho biết, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, hầu như ngày nào cũng có người đăng ký tuyển lao động nhưng lao động đăng ký tìm việc lại không nhiều. Tâm lý muốn tìm công việc ổn định khiến nguồn lao động thời vụ khan hiếm.

Nhiều nơi đưa ra mức lương cao hơn 1-2 triệu đồng/tháng vẫn không tìm được người. Một tiệm sửa quần áo trên đường Hùng Vương dù thông báo tuyển thêm thợ cả tháng nay vẫn chưa tìm được người. Anh Nhân, chủ tiệm làm tóc trên đường Trần Thúc Nhẫn chia sẻ, cách đây hai tháng, các salon làm đẹp đã lo tuyển người để đào tạo thêm tay nghề phù hợp với phong cách của tiệm. Kinh nghiệm của anh là giữ lại học trò để không mất thời gian đào tạo lại từ đầu.

Nhu cầu cần người làm trong dịp tết tăng cao, vì thế, kiếm được một việc làm quả thật không khó. Yêu cầu tuyển dụng người làm công việc thời vụ khá đơn giản: Trung thực, tác phong nhanh nhẹn, giao tiếp và thuyết phục tốt, nhiệt tình trong công việc... Mức lương được chủ lao động đưa ra tương đối hấp dẫn, những công việc như bán hàng, thu ngân, thậm chí phụ làm bánh, làm mứt có mức lương 200 - 250 nghìn đồng/ngày. Đây là cơ hội tốt để nhiều sinh viên, người lao động tự do tìm được công việc, tăng thêm thu nhập.

Nhiều bạn sinh viên lựa chọn các công việc phù hợp làm thêm để kiếm tiền tiêu tết, lại còn tích lũy thêm kiến thức thực tế, trải nghiệm cuộc sống. Hoàng Linh, một sinh viên kế toán chia sẻ: “Tết này, em làm thu ngân cho một quán ăn để kiếm thêm tiền trang trải học phí. Dịp tết khách đông, lại là lần đầu tiên đi làm nên em khá lo lắng và luôn tự nhủ mình cẩn thận với công việc”.

Bài, ảnh: Minh Hiền