Dẫu nhiều bận rộn nhưng giáp tết, tôi vẫn hăm hở ghé thăm “Không gian tết Huế” ở Bảo tàng Văn hóa Huế. Với hoạt động trưng bày này, các nhà tổ chức muốn tạo một điểm du xuân ý nghĩa để tìm hiểu phong tục tết cổ truyền cho du khách và người dân, nhất là các em thiếu nhi. Còn với tôi, ghé thăm và đến với “Không gian tết Huế” là cách trở về với những ký ức và hoài niệm.

Là người Huế nhưng mãi sau này tôi mới có dịp biết đến trò chơi xăm hường, làng giấy Thanh Tiên, viết thư pháp tặng chữ hay bao thứ trò chơi dân gian ngày tết. Thế nhưng, bàn thờ gia tiên được lau chùi, trang trí hay không gian bếp đơn sơ xuất hiện nồi bánh tét đỏ lửa cả ngày đêm, rồi quang cảnh tất bật của cả gia đình vào ngày ba mươi tết lại là hoài niệm của một thời ấu thơ.

Ăn tết không riêng chi của người Huế, nhưng nhớ về tết Việt khó có thể quên tết Huế. Có tết Huế xưa và tết Huế nay. Một thời là thủ phủ, là kinh đô của đất nước, xưa ở Huế có tết trong nội (chốn cung đình) và tết nơi phố và tết ở làng. Tết nơi cung đình với bao nghi lễ cầu kỳ, hội hè trò chơi phong phú và yến tiếc linh đình với bao người chỉ là tết nghe kể và tưởng tượng. Huế có nhiều phố cổ, như Thanh Hà, Bao Vinh, Gia Hội… một thời nổi tiếng, nhưng ít được nói đến tết tại nơi đây.

Gần gũi và thân thương là tết quê. Nếu ngoài Bắc, lễ đưa ông Táo về trời  đã là nghi lễ khởi sự cho một cái tết thì ở Huế, 23 tháng Chạp chỉ đơn thuần là ngày thay bát nhang, quét dọn bàn thờ gia tiên và tiễn “3 ông đầu rau” ra khỏi trang bếp ra đường, đến một ngã ba nào đó. Không khí tết chỉ thực sự được cảm nhận sau ngày 25 tháng Chạp với rộn ràng lễ cúng tổ nghề, lễ cúng tất niên, dẫu cho công việc làm ăn, như thợ may, cắt tóc, làm đồ mã, bánh trái… vẫn tất bật cho đến tận Giao thừa.

Tết về là lúc thể hiện trách nhiệm và bổn phận. Đó là lúc con người ta hướng về ông bà, tổ tiên bằng các lễ cúng rước ông bà về ăn tết, cúng giao thừa, cúng ông bà ngày 3 bữa từ mồng một tết; đến chiều mồng ba tết, làm cỗ cúng đưa ông bà; tiếp theo là cúng đầu năm, cúng sao, cúng rằm… Cúng kiếng cầu kỳ, các bà và các chị phải tất bật nhưng cũng là dịp để họ trổ tài nữ công gia chánh. Còn nữa là thói quen đi thăm các phần mộ tổ tiên, người thân ngày đầu năm mới.

Lo nhiều và chơi cũng chẳng kém chi ai. Xưa dân Huế chơi tết cũng có lắm trò. Không kể những trò trong cung vua phủ chúa chỉ nghe kể lại, trò vui nơi thôn dã có hội bài chòi, đu tiên... mang tính tập thể ở các hội làng. Nơi đầu đường, góc phố có trò chơi bài vụ, trò bầu cua tôm cá... Trong từng gia đình có hội bài tới, xăm hường, tứ sắc… Rồi đua trãi trên sông Hương, sông Bồ, vật làng Thủ Lễ, vật làng Sình…

Đất nước hội nhập và phát triển, tết Huế bây giờ cũng lắm đổi thay. Lễ nghi và cúng kiếng cũng đã mười phần giảm còn ba, bốn. Chuyện kiêng kem không còn quá nghiêm ngặt. Nhà nước tổ chức cầu truyền hình đêm Giao thừa nên một bộ phận cư dân Huế, nhất là lớp trẻ đã biết và được phép thoải mái ra khỏi nhà vào đêm trừ tịch. Còn thay cho nhiều trò chơi dân gian khép kín bên trong từng lũy tre làng là các hội chợ xuân ở Thương Bạc và trung tâm các huyện, thị. 

Vẫn vẹn nguyên là tết Huế đoàn viên. Người Huế đi đâu và làm chi nơi mô, ngày tết cũng cố gắng tìm về, cùng gia đình sum họp trong thời điểm đất trời sang xuân và đó đích thực là tết Huế mà không có không gian trưng bày nào có thể tái hiện được. Còn hơn cả tuần lễ nữa mới đến lúc tết về nhưng trong lúc này, ta đã có thể cảm nhận được khát vọng đoàn viên ở những chuyến tàu đêm vội vã cùng những chuyến xe ắp đầy hành khách và cả trong những cuộc chuyện trò bằng điện thoại trong mỗi một gia đình.

Đan Duy