Ngày 27/4, thuyền Flipflopi đã rời khỏi thị trấn duyên hải Watamu để thực hiện chặng dừng chân thứ 4 trong hành trình dài 500km. Trước đó, ngày 24/1, thuyền Flipflopi đã khởi hành từ đảo Lamu và dự kiến kết thúc cuộc hành trình tại Zanzibar vào ngày 6/2.
Thuyền Flipflopi được làm từ 10 tấn rác thải nhựa các loại được xé nhỏ, đúc và gắn kết với nhau để làm thành thân tàu, sống tàu và sườn tàu, chỉ có cột buồm là bộ phận duy nhất trên tàu được làm bằng gỗ. Tàu được phủ bằng các mảng ghép của 30.000 dép tông sáng màu, được thu thập từ các bãi biển và thành phố của Kenya.
Theo nhà hoạt động bảo vệ môi trường Dipesh Pabari, người đứng đầu dự án này, thuyền Flipflopi ra đời mang theo thông điệp về tái chế nhựa và tác hại của rác thải nhựa đối với cộng đồng dân cư vùng duyên hải.
Con thuyền là bằng chứng sống về việc con người có thể lựa chọn một lối sống hoàn toàn khác theo hướng có trách nhiệm với môi trường, bảo vệ môi trường.
Chiều dài của thuyền Flipflopi là 9 mét và các nhà bảo vệ môi trường dự định sẽ cho ra đời một con thuyền tương tự có chiều dài thân tàu lên tới 20 mét có thể đi tới tận thành phố Cape Town của Nam Phi.
Giống như nhiều nước trên thế giới đang "ngập" trong chai nhựa, nắp, màng bọc thực phẩm, túi nhựa, ống hút... Kenya đang nỗ lực giải quyết vấn nạn rác thải nhựa vốn là nguyên nhân "bức tử" các loài động vật trên cạn và dưới biển cũng như phá hoại cảnh quan của nước này.
Chương trình Môi trường của Liên Hiệp quốc ước tính hơn 8,3 tỷ tấn nhựa được sản xuất trên toàn cầu kể từ đầu những năm 50 của thế kỷ 20. Sau khi sử dụng, khoảng 60% trong số này được chôn tại các bãi chôn lấp. Riêng tại châu Phi, với hơn 12 triệu người làm việc trong ngành đánh bắt cá - nguồn thực phẩm của nhiều người - thì rác thải nhựa đổ ra đại dương là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Lục địa Đen.
Theo Vietnam+