Nghiên cứu ý tưởng “Sản xuất chế phẩm xạ khuẩn”
Thu hút doanh nghiệp
Vừa qua, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khoa học và khởi nghiệp nông nghiệp sinh viên”. Đáng nói, dù là cuộc thi cấp trường, song có đến gần 90 ý tưởng tham gia và 27 ý tưởng thực sự chất lượng lọt vào vòng chung kết, thu hút khoảng 15 doanh nghiệp trong nước đến dự.
Đại diện ban tổ chức cho biết, đây là lần đầu nhà trường tổ chức cuộc thi này từ cấp khoa đến cấp trường, thông qua các vòng sơ loại đến chung kết. Sự cố vấn kỹ từ các cán bộ, giảng viên giúp cho các ý tưởng hoàn thiện. So với hoạt động này những năm trước, các ý tưởng năm nay độc đáo, sáng tạo và khả năng thương mại hóa tốt hơn, trong đó có những ý tưởng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và nhà đầu tư, như: Sản xuất chế phẩm xạ khuẩn; Phát triển bình cây giống hoa chuông, hoa lan mini làm quà tặng; Nhà thông minh ứng dụng trợ lý ảo Google Assistant; Đa dạng hóa các dòng sản phẩm thanh trà Huế; App – Agri Tool; Dịch vụ vận chuyển thực phẩm tươi sống tận nhà…
Nguyễn Đăng Thắng, đại diện nhóm ý tưởng “Sản xuất chế phẩm xạ khuẩn” (giải nhất) cho biết, giám khảo cuộc thi là chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp. Thuyết phục được họ cũng chính là cách đo lường tiềm năng của mỗi ý tưởng. “Tụi em mất hơn 2 năm để đầu tư cho ý tưởng này, tiến hành rất nhiều lần đi thực địa và nghiên cứu ở phòng thí nghiệm. Muốn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, cũng phải “bảo vệ” được ý tưởng của mình bằng cách thuyết trình trước các chuyên gia”.
TS. Phạm Hữu Tỵ, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Nông lâm chia sẻ, sau cuộc thi, có đến 5 doanh nghiệp để ý hay cam kết đầu tư cho các ý tưởng. Đây là kết quả đáng mừng bởi thông thường tỷ lệ thành công và được giới chuyên môn để ý đầu tư với các ý tưởng khởi nghiệp không nhiều. “Dù còn là sinh viên, song các ý tưởng khởi nghiệp của họ khá tốt. “Tôi chọn lựa đầu tư cho 1 ý tưởng có tính thực tiễn và khả thi cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cả về chuyên môn lẫn kinh phí để ý tưởng được hoàn thiện”, ông Nguyễn Văn Thuyết, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Toàn Cầu nói.
Biến ý tưởng thành hiện thực
Lâu nay, việc đưa khởi nghiệp vào trường học như tinh thần đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ được nhiều đơn vị trong cả nước đánh giá khó. Nguyên nhân chính là do môi trường, nhận thức sinh viên và kinh phí còn hạn chế.
“Việc tạo phong trào khởi nghiệp trong trường học rất quan trọng. Sau cuộc thi, nhà trường tiến hành nghiên cứu, đánh giá tổng thể các mặt, nhất là tâm tư, nguyện vọng, hiểu biết, kỹ năng của sinh viên về khởi nghiệp để đưa ra các chiến lược kế hoạch hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp”, PGS.TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế chia sẻ. |
ThS. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông lâm cho rằng, muốn phát triển khởi nghiệp trong trường học, cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên và đẩy mạnh cơ hội cho sinh viên tiếp xúc doanh nghiệp. Khi tạo được nền móng, đam mê khởi nghiệp trong sinh viên, cần “nuôi dưỡng” các ý tưởng trở thành hiện thực. Điển hình, sau cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khoa học và khởi nghiệp nông nghiệp sinh viên”, 6 ý tưởng đạt giải cao nhất sẽ được nhà trường tiếp tục đầu tư 30 – 50 triệu đồng/ý tưởng đồng thời hướng dẫn, đào tạo các nhóm cách gọi vốn, kinh doanh để sớm đưa ý tưởng thành sản phẩm ra thị trường.
Hiện nay, nhà trường đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và phát triển hợp tác, thời gian tới sẽ tạo ra không gian để các nhóm làm việc. Ngoài những ý tưởng khởi nghiệp đạt giải, nhà trường cũng chọn lựa các ý tưởng nghiên cứu khoa học tốt nhằm thúc đẩy giúp sinh viên khởi nghiệp. “Năm 2019, khi xét tuyển đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, sẽ hướng đến tính ứng dụng và khởi nghiệp, chọn lựa những đề tài có thể giúp sinh viên khởi nghiệp được, điều này cũng giúp cho những ý tưởng hay sẽ có cơ hội thương mại hóa và việc đầu tư kinh phí nghiên cứu khoa học tránh được sự lãng phí”, ông May nói.
PGS.TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho biết, đặc thù trong xây dựng các nhóm khởi nghiệp của nhà trường là liên khóa, liên ngành để có tính kế thừa, ý tưởng không bị đứt khi sinh viên ra trường. Điều này sẽ phát triển các ý tưởng ngày càng hoàn thiện và khả năng thành công cao hơn. Qua các năm, nhà trường tăng cường kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp, giới thiệu và thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp vào đầu tư cho các ý tưởng.
Bài, ảnh: Hữu Phúc