Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí là quốc gia đổi mới nhất thế giới. Ảnh: Image

Trong khi đó, Mỹ đã tiến lên vị trí thứ 8, một năm sau khi tuột khỏi top 10 do sự sụt giảm điểm số giáo dục. Úc đứng thứ 19 trong danh sách, giảm một điểm so với năm 2018.

Đây là năm thứ 7 Bloomberg công bố Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới hàng năm. Bảng xếp hạng này phân tích hàng chục tiêu chí sử dụng 7 loại số liệu khác nhau, trong đó có chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, khả năng sản xuất và sự tập trung của các công ty công nghệ cao.

Trong bảng chỉ số của Bloomberg, Đức gần như đã bắt kịp Hàn Quốc – quốc gia 6 lần giữ ngôi vị hàng đầu, về sức mạnh của các giá trị từ cường độ sản xuất và nghiên cứu, chủ yếu nhờ các đại gia công nghiệp như Volkswagen AG, Robert Bosch GmbH và Daimler AG. Mặc dù Hàn Quốc vẫn tiếp tục mở rộng chuỗi chiến thắng, nhưng khoảng cách của vị trí dẫn đầu với nước đứng thứ 2 đang bị thu hẹp một phần do hàn Quốc có điểm số thấp hơn trong hoạt động sáng chế.

Thụy Điển, á quân năm 2018, rơi xuống vị trí thứ bảy. Trong khi đó, Singapore là quốc gia xếp thứ 6 thế giới về đổi mới, Malaysia đứng ở vị trí thứ 26 - cao nhất trong khu vực ASEAN và đứng trên các nước như Nga, Tây Ban Nha và Hungary.

Khoon Goh, người đứng đầu nghiên cứu tại ANZ Singapore cho biết, vị trí số 1 của Hàn Quốc được thúc đẩy từ các khoản đầu tư mới vào các công nghệ chiến lược và những chương trình nhằm khuyến khích các công ty khởi nghiệp. "Sự đổi mới đang ngày càng trở nên quan trọng để thúc đẩy hiệu quả kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế châu Á có thu nhập cao hơn”, ông khẳng định.

Quá trình xếp hạng năm 2019 bắt đầu với hơn 200 nền kinh tế. Mỗi điểm được tính theo thang điểm từ 0 đến 100, dựa trên 7 hạng mục có trọng số tương đương.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Bloomberg)