Có nhiều tiềm năng về thiên nhiên, di sản văn hóa - lịch sử nên vùng duyên hải miền Trung bao gồm 9 tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận, Bình Thuận được đánh giá là vùng có “trữ lượng” giàu có để phát triển du lịch. Nếu cùng nhau, đó sẽ là sự phát triển vùng và không chỉ là Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà còn là sự phát triển cho cả vùng duyên hải miền Trung.

Tại nhiều diễn đàn kinh tế, tiềm năng và lợi thế của vùng duyên hải miền Trung đã được các chuyên gia hàng đầu khẳng định. Đó là lợi thế về phát triển kinh tế biển nói chung và du lịch – dịch vụ vùng ven biển nói chung. Bên cạnh lợi thế về những triền cát dài, mịn, sạch trong và đẹp với diện tích chiếm gần 50% bờ biển của cả nước; bên cạnh các đô thị ven biển đã và đang tiếp tục được hình thành, phát triển như Chân Mây – Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết, hệ thống đường giao thông ven biển để phát triển kinh tế và phát triển du lịch cũng đã được các địa phương đầu tư, xây dựng. Bên cạnh hệ thống cảng biển và cảng nước sâu đã hình thành, hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không cũng khá hoàn chỉnh cũng là cơ sở nền tảng để góp phần vào phát triển du lịch. Một vấn đề mấu chốt khác là các địa phương trong vùng đều nhận ra cơ hội của mình, đều có quyết tâm và chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng từ phương diện này để phát triển kinh tế...

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ở chỗ, địa phương nào cũng mong muốn phát triển, địa phương nào cũng nôn nóng và tìm cơ hội đầu tư và ở rộng đầu tư nên sự có thể nhìn thấy sự thay đổi, nhưng đó lại là sự thay đổi theo kiểu mạnh ai nấy làm nên chưa tạo ra được một chuyển động sâu. Cũng do hiện trạng này mà sự phối kết hợp ở các địa phương trong vùng để mở rộng hợp tác, tạo thêm nhiều năng lực tăng thêm còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa thật sự cùng nhau phát huy được giá trị cũng như các tiềm năng sẵn có.

Sau rất nhiều lần đề nghị, tác hợp tại rất nhiều diễn đàn, cho đến nay, việc kết nối và hợp lực các tỉnh trong vùng duyên hải này gần như vẫn chưa đạt được đích đến là cùng nhau phát triển, cùng nhau vì những nỗ lực chung. Đó cũng là vấn đề mà các chuyên gia đã “chỉ mặt, gọi tên” như mới dừng lại ở nguyên tắc, hình thức; chưa phát triển và xây dựng được thương hiệu du lịch vùng để thu hút khách đến với vùng... trong sự phối hợp hiệu quả và đồng bộ.

Đây có lẽ cũng là cơ sở để vào trung tuần tháng 2 này, một hội nghị về xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Vùng duyên hải miền Trung sẽ được tổ chức tại Huế. Việc mối liên kết hợp tác xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch giữa các địa phương trong Vùng duyên hải miền Trung; trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước với lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị... sẽ tiếp tục đặt ra những hy vọng trên lĩnh vực này.

Nguyễn An Lê