Trao quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn ở A Lưới. Ảnh: M. TUỆ

Đã bắt đầu rục rịch không khí tết rồi. Nó hiện diện trên chợ búa, trên phố phường, trên các làng nghề làm bánh mứt truyền thống. Nó cũng hiện diện trong các doanh nghiệp, thậm chí là không khí chuẩn bị tết trong các cơ quan nhà nước. Nói chung, đã tết thì không khí tết ở đâu cũng có, dù mức độ tươi vui thế nào có khác nhau. Cũng khó đo đếm được không khí tết bắt đầu từ khi nào, nhưng với cảm nhận của tôi, có lẽ là bắt đầu rõ ràng nhất từ khi các làng hoa ven phố được chở lên “chưng” trên nhiều phố phường. Đến khi chợ hoa Xuân Thương Bạc được khai mạc thì không khí tết đã rộn ràng lắm rồi.

Không khí tết là một việc, đời sống người dân có ấm no hơn năm ngoái không lại là một việc khác. Qua chỉ số tăng trưởng GDP, qua thu nhập bình quân đầu người thì người dân Thừa Thiên Huế đã ấm no hơn. Cụ thể theo số liệu thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.100 USD, tăng 80 USD so với năm 2017.

Xã hội nào cũng vậy, có người giàu, người nghèo. Người ta chia ra mức thu nhập thành nhiều mức độ khác nhau: người giàu, nghèo, cận nghèo, trung bình, cận giàu. Người giàu bao giờ cũng chiếm tỷ lệ ít hơn nhưng tổng nguồn thu nhập lại chiếm số lượng lớn hơn.  Một cuộc khảo sát năm 2016 về mức độ chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam cho thấy, nhóm người giàu so với 4 nhóm còn lại có khoảng cách đến 21 lần. Ở Thừa Thiên Huế, chưa thấy có những số liệu thống kê này nhưng có lẽ cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy. Chúng ta có thể nhận biết qua điều con số này: mặc dù những năm gần đây, tỷ lệ đô thị hóa phát triển nhanh hơn trước, một bộ phận người dân sống ở khu vực nông thôn chuyển qua buôn bán nhỏ và làm các ngành nghề khác ngày càng nhiều, nhưng tỷ lệ người dân Thừa Thiên Huế sống ở khu vực nông thôn sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp  vẫn còn lớn. Hơn 50% người dân sống ở khu vực nông thôn nhưng nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) chỉ đóng góp chừng 10 -12% trong GDP. Người giàu có họ có nhiều nền tảng về điều kiện kinh tế, kiến thức … nên mức độ gia tăng khoảng cách giàu nghèo là không tranh khỏi. Sự bất bình đẳng về thu nhập sẽ dẫn đến những bất bình đẳng khác như: cơ hội phát triển; hưởng thụ các phúc lợi xã hội. Ví dụ như lĩnh vực y tế, một người sống ở khu vực thành thị sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn những người ở khu vực nông thôn; một người giàu có càng có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, thậm chí là tốt hơn gấp nhiều chục lần đến cả trăm lần người  người có thu nhập thấp. Từ một thực tế như vậy cho nên cần những chủ trương, thiết kế chính sách hướng đến việc hỗ trợ nhóm thu nhập thấp vươn lên, để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Ở Việt Nam ta là vậy. Gì thì gì cũng phải “no ba ngày tết”. Tết người nghèo vẫn cứ vui tươi, không thấy cái sự nghèo. Nhưng tết của người giàu thì thấy rõ lắm. Tiêu xài, mua sắm đủ thứ sang trọng, đắt tiền. Từ xây cái nhà, mua chiếc xe, chậu cây cảnh… Nói chung tết là một dịp để họ “không tiếc tiền”. Cứ rảo qua các chợ rồi vào các nhà hàng sang trọng, vào các siêu thị sang trọng… mà xem, hai bức tranh giàu nghèo thể hiện rất rõ.

Những ngày tết đang về, ngoài rất nhiều cái lo, sự vui mừng, chúng ta thấy đã có nhiều chuyến hàng hóa, sự hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp, của nhiều người dân, nhiều kiều bào … hướng về người nghèo, những vùng người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đây là những điều hết sức đáng mừng trong “hồn cốt” của người Việt ta, là “lá lành đùm lá rách”. Đây không phải là một chính sách mà là đạo đức, nhân nghĩa, ân tình; sự chia sẻ cộng đồng, mà chúng ta nhìn thấy ngày càng được phát huy.

Trước khi mong đợi những điều to tát, có lẽ sự tương trợ nhau giữa người giàu và người nghèo; người có nhiều điều kiện hơn so với người có ít điều kiện hơn là điều cần khuyến khích. Trước mắt là cho “con cá”, sau đó tiến đến cho “cần câu”. Cần thiết phát động một phong trào như vậy và phải ngày càng đi vào thực chất.

NGUYÊN LÊ