Ông Trần Kim Thành |
Trước hết phải ghi nhận công tác thông tin nhanh nhạy, kịp thời và chính xác về dự báo, diễn biến của thời tiết, không để xảy ra bất ngờ và bị động. Từ đó, lãnh đạo tỉnh, đến các ban ngành và chính quyền triển khai công tác tổ chức điều hành, chỉ đạo phòng chống một cách quyết liệt. Công tác di dời dân đến nơi an toàn, kịp thời trước khi có bão lũ ập đến của tỉnh ta được Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đánh giá rất cao. Người dân cũng đã nâng cao ý thức, có nhiều kinh nghiệm trong công tác PCLB.
Những năm gần đây, vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng bắt đầu thấy rõ, nhận thức, tư duy PCLB cũng có những thay đổi, việc triển khai đối phó được chủ động, linh hoạt, bài bản và nhanh nhạy hơn…
Thời gian qua có những điển hình, những cách làm hay nào trong công tác PCLB&TKCN?
Nhiều địa phương vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ ảnh hưởng bão lũ đã chủ động, làm rất tốt công tác phòng chống, hạn chế tối đa thiệt hại, như các xã: Quảng Phước, Quảng Lợi (Quảng Điền); Phong Bình, Phong Chương (Phong Điền)... Những năm qua, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh tổ chức nhiều đợt tập huấn nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; hỗ trợ xây dựng đường cứu hộ, kênh thoát lũ, trang bị các phương tiện phục vụ PCLB&TKCN như ghe thuyền, loa truyền thanh… Các địa phương trên cũng đã thực hiện tốt phương châm “tự quản tại chỗ” nên không để xảy ra thiệt hại về người. Đây là một cách làm hay, đổi mới tư duy, xuất phát từ ý tưởng của đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Xuân Mãn nhằm bảo vệ an toàn tính mạng người dân trong mùa bão lũ.
Vậy, phương châm “tự quản tại chỗ” được triển khai như thế nào?
Yêu cầu của phương châm là từng gia đình, cha mẹ quản lý chặt chẽ không để con cái ra sông, suối. Người dân trong từng khu vực, thôn xóm có trách nhiệm quản lý, phát hiện người đi vớt củi, đánh cá, lội sông... kịp thời nhắc nhở, báo với chính quyền địa phương. Tại nhà trường, thầy cô giáo quản lý chặt chẽ học sinh, bạn bè quản lý, giúp đỡ nhau. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các xã, thôn, khu vực tăng cường công tác quản lý, thường xuyên phối hợp, tổ chức tuần tra trên các sông nhằm kịp thời phát hiện, nhắc nhở...
Ngoài những việc làm được, trong công tác PCBL hiện còn những hạn chế gì?
Công tác dự báo, cảnh báo tuy có nhiều tiến bộ, song cơ sở vật chất hiện có chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; nhất là dự báo lũ quét, sạt lở đất, lốc, nước dâng do bão… Công tác cảnh báo thiên tai, bão lũ chưa đến đến tận vùng sâu vùng xa và mọi người dân. Phương tiện, vật tư, lực lượng cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình có bão lũ lớn, nhất là cứu hộ trên biển. Các chủ đầu tư công trình hồ chứa thuỷ điện chưa tích cực trong việc phối hợp cung cấp thông tin, tiến độ xây dựng, phương án điều tiết lũ. Việc tuyên truyền giáo dục cộng đồng cho người dân và tổ chức quản lý phòng tránh thiên tai còn hạn chế. Công tác khắc phục hậu quả bão lũ ở nhiều địa phương còn thiếu chủ động, chưa phát huy được vai trò của cộng đồng trong xử lý môi trường, ổn định đời sống sau thiên tai.
Vấn đề quan tâm nhất trong công tác PCBL năm nay là gì, thưa ông?
Vấn đề quan tâm lớn nhất được đặt ra là công tác dự báo, cảnh báo về thời tiết cần chủ động, chính xác, nhanh nhạy và kịp thời hơn. Tùy theo tình huống bão lũ để đặt công tác phòng chống nào lên hàng đầu cho phù hợp. Nếu xảy ra mưa lớn có nguy cơn lũ quét, gây sạt lở ở vùng núi, lũ lớn ở đồng bằng thì cần đặt công tác di dời dân lên hàng đầu; vấn đề ngập lũ, chia cắt dài ngày thì đặt công tác cứu trợ, xử lý môi trường lên hàng đầu…
Năm nay, trên địa bàn tỉnh có hai công trình thuỷ điện: Bình Điền và Hương Điền đã tích nước và có nhiều hồ chứa thuỷ lợi lớn như Hồ Truồi, hồ Hoà Mỹ, hồ Thọ Sơn… nếu để xảy ra sự cố sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã kiểm tra và chỉ đạo các phương án phòng chống, bảo vệ các công trình trong mùa bão lũ; đặc biệt chú trọng công tác điều tiết, xã lũ hợp lý tránh đột ngột, bị động gây mất an toàn. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh bổ sung thêm một số thành viên của: Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn TNCS HCM, Công ty TNHH NN 1 thành viên Quản lý – Khai thác công trình thuỷ lợi; đặc biệt có sự tham gia các thành viên của hai hồ thuỷ điện: Bình Điền và Hương Điền nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ an toàn các công trình thuỷ điện.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Triều (thực hiện)