Soi bóng. Ảnh: V. ĐỦ

Còn Nguyễn Trọng Tạo thì hát “Đêm tàn Bến Ngự” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước… Bèo nước gió mây đêm ngắn tình dài/Có ai nhớ, ai nơi giang đầu… Tạo đang cầm chén rượu hát say sưa thì một lão trung niên gân guốc đạp chiếc xích lô trờ tới. Anh nhảy xuống xe, đến quỳ bên chiếu: “Nghe các anh hát hay quá, cho tôi hầu rượu với!”. Tôi rót chén rượu đầy. Uống xong chén rượu, anh xích lô khẩn khoản: “Cho tôi hát lại bài hát “Đêm tàn Bến Ngự” mà anh đây vừa hát, tôi mê bài ni lắm!” Rồi anh hát. Anh xích lô hát nồng nàn, lay động tâm can. Khi cao vút, khi trầm sâu. Tay anh cầm chén rượu khi sà xuống chiếu, khi nâng lên theo âm hưởng câu hát. Thuyền ơi, đưa ta tới đâu!Hồn thơ vương vấn canh thâu, thương tiếc chi phút bên nhau thêm sầu... Hát xong bài hát, anh xích lô ngẩng lên, mặt chan nước mắt!

Trời ơi, tôi chưa bao giờ nghe hát mà xúc động đến thế. 

Tôi sống ở Bến Ngự 44 năm rồi. Từ một chàng trai 27 tuổi (1976) bây giờ là ông già 70! Có lần, vợ tôi hỏi :”Răng lại gọi là Bến Ngự hè?”. Tôi bảo, xưa nơi đây thuyền vua giá ngự. Trong ký ức của tôi, Bến Ngự thời bao cấp xập xệ lắm. Ngôi chợ lợp tồn thủng lỗ chỗ, mưa dột vào đầu các chị tiểu thương. Cửa hàng thực phẩm mậu dịch xây choán hết hai phần ba mặt tiền chợ mà chỉ có dăm ba cô mậu dịch viên đứng bán thịt, nước mắm, muối theo giờ hành chánh. Bây giờ, tất cả đã thay đổi. Chợ được xây lại khang trang.

Nhưng có những điều không bao giờ thay đổi! Chợ Bến Ngự gắn bó với mỗi gia đình đến nỗi chị bán hến, bán rau tập tàng mười mấy năm không đổi chỗ, ai cũng biết tên. Mệ Thức bán cháo gạo đỏ cá bống ở gốc cây si già góc chợ từ lúc 18 tuổi, cách đây mấy năm, bước sang tuổi 75, mệ trao gánh cháo lại cho con dâu tên là Nguyệt. Cô Nguyệt cháo cá bống ấy, mấy chục năm trước cùng với cô em là Nga còn lon ton theo mẹ là chị Vàng đi bán bún gánh ở đường Trần Thúc Nhẫn. Nhà tôi ở trong Khu Viễn Đệ, bây giờ là 18 Trần Thúc Nhẫn, bên cây hồng nhung chín thơm lựng. Cả nhà tôi thường ăn sáng bún bà Vàng. Bà nhớ cả việc cu Hải Tân, con út tôi tí hành tí cay cũng lẫy. Thế rồi Nguyệt lớn lên, lấy con trai bà Thức, ở ngay kiệt 37 Phan Đình Phùng, chỉ cách chợ trăm mét. Vẫn còn đó, mệ già cứ đến rằm hay đầu tháng là ngồi bán mớ ốc bên cầu cho người ta mua phóng sinh…

Những con phố dọc ngang hai bên chợ Bến Ngự là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Phan Đình Phùng, Trần Thúc Nhẫn. Cứ đêm đi lững thững trên cầu qua chợ, nhớ về các danh nhân, tôi ngỡ như mình từng bước đi vào lịch sử Huế, lịch sử Việt Nam! Ngày mới giải phóng, nhà trên những con phố ấy chật hẹp lợp tồn, một hai tầng, có nhiều ao rau muống, bãi cỏ. Dọc bờ sông An Cựu, cạnh chợ Bến Ngự, là một xóm đò chen chúc. Đò nào cũng lít nhít năm sáu đứa con. Rứa mà họ nuôi heo nặng cả tạ trên đò. Từ ngày phong trào nuôi heo rầm rộ ở Huế, xóm đò có thêm một nghề là lên thượng nguồn Sông Hương vớt rong. Rong trộn cám heo ăn chóng lớn. Mới đó mà cây phượng già bên cầu thắp lửa, rồi bão xô đổ lúc nào, chỉ còn trong trí nhớ. Mới đó mà đứa trẻ bán rong heo thành chàng trai mũ phớt, quần bò…

Bây giờ, đường phố đã khang trang, nhà nghỉ, hotel ba bốn tầng, nhà kiên cố, buôn bán sầm uất hơn… Đường láng nhựa rộng hơn nhưng vẫn có nhiều điều không thay đổi để luôn có một Bến Ngự trong tôi. Đó là con tàu đi qua ngõ. Đó là bác Thủy phở rong ngủ sau cùng. Tôi viết khuya, lững thững qua đường tàu xuống chợ, những xe cháo gà, phở rong vẫn đợi người không ngủ. Vẫn bác Hiếu xích lô hoàng hôn chén rượu.

Ở chợ Bến Ngự, tôi có nhiều kỷ niệm lắm. Nhà thơ Phùng Quán vô Huế, nhiều lần ngồi cùng tôi và Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo nhâm nhi cháo gà đêm trong quán chợ. Anh Nguyễn Tích Ý, một bác sĩ rất nghệ sĩ, hồi còn Phó Viện trưởng Viện Y Huế, nửa đêm còn thức tôi dậy xuống chợ tìm rượu! Hình như ông có chuyện buồn chi đó. Ở đó còn một cô gái xinh đẹp tên là Chi. Tôi hay mua rượu của cô. Không hiểu sao biết tôi là làm thơ, cô bảo: “Nhà thơ uống rượu em mà không làm tặng em bài thơ!”. Mấy hôm sau, tôi xách chai qua cầu mua rượu, trên chai có dán bài thơ tôi viết tặng cô Chi. Bài thơ có sáu câu lục bát mà có tới chín chữ Chi với nghĩa khác nhau. Cô Chi ơi bán rượu Chi/rượu Chi Chi cũng uống vì nhau thôi/Cớ Chi cô tủm tỉm cười/ Anh mần Chi được như người giàu sang/Say Chi đôi chén mơ màng/ Nhớ cô Chi đó, nhớ hàng rượu Chi. Đọc xong bài thơ, cô Chi nguýt tôi, tủm tỉm cười rồi lặng lẽ cất cái chai của tôi xuống quầy, lấy chai khác đong rượu cho tôi. Và từ ấy tôi mua rượu, cô Chi không bao giờ lấy tiền! Vâng, với tôi Bến Ngự có nhiều điều khảm vào tâm can, không thay đổi!

Chợ Bến Ngự là một trong bốn chợ lớn nhất Huế, cùng Đông Ba, Tây Lộc và An Cựu. Nên mỗi khi tết đến, ngôi chợ lùi xùi hàng ngày bỗng trở nên rực rỡ xanh - đỏ - tím - vàng. Kẹo, mứt, bánh, giò chả, hoa giấy, hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa hồng hoa mai, hoa đào, rồi lá dong, lá chuối... Hoa, bánh bày dọc đường Phan Bội Châu từ chân cầu ra tới đường Nguyễn Huệ. Chuối thờ bày chất đoạn đầu đường Phan Đình Phùng. Trên cầu thì mệ bán cát thờ từ Phú Vang lên, o bán hoa giấy Thanh Tiên… Y như ngày hội. Tết đó, vợ tôi đi trực bán hàng tết ở cửa hàng mậu dịch dưới đường Trần Hưng Đạo, không được nghỉ trước Tết. Ba ngày nữa Tết rồi mà trong nhà chẳng có thứ gì cả. Tôi dắt con ra chợ mua cát thờ, hoa Thanh Tiên, đi đánh bóng bộ ngũ sự. Ra chợ thấy đu đủ, cà rốt, hành… tôi mua một mớ về để làm dưa món. Tới chiều thì trời Huế đổ mưa dầm. Thế là dưa món xắt ra không phơi nắng được. Tôi nghĩ ra cách lấy cái mâm nhôm để sấy. Do lửa củi mạnh, tôi lại mải đọc sách, nên một mâm dưa món cháy xém hết! Kỷ niệm Tết như thế nhớ cả đời, không thể quên!

Tôi có đọc đâu đó bài viết về Dương Thiệu Tước đã làm bài hát Đêm tàn Bến Ngự cũng trong một đêm bên chiếu rượu ngập sương trăng trong một con thuyền trôi trên sông Bến Ngự. Nên tôi, mỗi buổi sáng sớm trong lành đi bộ qua cầu, trong tôi lại dâng lên câu hát Thuyền ơi, đưa ta tới đâu! Hồn thơ vương vấn canh thâu… 44 năm rồi, tôi lớn khôn thành nhà thơ cùng Bến Ngự. Bến Ngự tôi gọi là nhà.

Ngô Minh