Đêm ba mươi tết, con cháu thường họp mặt sum vầy và không ít trong số đó tranh thủ ở lại đón tết cùng ôn mệ. Tôi nhớ, sau lễ cúng chiều 30 là lúc cả đại gia đình bắt đầu chuẩn bị ngay cho lễ đón giao thừa và tiếp khách vào sáng mồng một. Mạ tôi cùng mấy dì lo nồi bánh tét, nấu xôi chè, bếp núc và cũng tranh thủ ủi áo quần mặc tết. Dạo ấy ủi áo quần bằng bàn ủi than, hiệu con gà trống. Và, không có khi mô sướng bằng vào dịp này khi mà nồi bánh với những cục than hồng hừng hực đỏ, nhìn là đã thèm… ủi.
Học gói bánh. Ảnh: NGUYỄN PHÚC BẢO MINH
Còn mấy đứa trẻ chúng tôi có lăng xăng lít xít chi cuối cùng cũng phải tập họp lại để ngoại nhắc nhở. Ừ chỉ mới có ba ngày tết mà sao ngoại nhắc nhở đủ chuyện và chuyện nào cũng quan trọng. Ngoại bảo, sáng Mồng Một Tết khách đến thăm nhà, mình phải tôn trọng họ, không được để họ bị “mất mì xưa” và có những đánh giá này nọ không vui. Ngoại còn dặn, đứa mô cũng phải lo ngủ dậy sớm, mặt mày sạch sẽ, ăn mặc đàng hoàng, nhất là phải biết chào hỏi “dạ thưa” hẳn hoi. Này nhé, khách đến nhà thì mình phải chào mà dù mình có đến nhà người ta thì phận con trẻ cũng phải lo chào. Tóm lại, chuyện chào khách là của mình. Chào thì phải có “thưa”, có “bẩm” lịch sự chứ không nói theo kiểu cộc lốc. Còn khách bảo hay khuyên dạy điều chi thì phải lắng nghe và phải biết “dạ”. “Thưa chào” phải lễ phép và to rõ mà “vâng dạ” cũng không được lí nhí. Ông còn bảo, đứa mô làm tốt là được nhiều tiền lì xì đó. Đầu tiên là tiền lì xì của ngoại.
Nói chung là suốt nhiều cái tết liền ở với ngoại và sau này nữa tôi cũng đều tuân thủ chuyện “dạ thưa” đã được truyền dạy kỹ càng. Sáng mồng một ngủ dậy sớm và cho đến tận bây giờ là một cảm giác chờ vị khách đầu tiên đến “đạp đất”. Cái điệp khúc cứ lặp đi lặp lại cả trong mấy ngày xuân mà vẫn không thấy nhàm thấy chán. Đó là dù cả đêm 30 không ngủ được nhưng mặt mày đều phải luôn tươi vui, gặp khách, nhất là khách lớn tuổi là cúi gập đầu chào: “Thưa ôn (mệ, chú, bác…), xin chào ôn năm mới…”. Nhận được lời chúc, và nếu may mắn cả tiền lì xì nữa, thì “dạ” và cám ơn. Tôi thuộc lòng. Năm mô cũng rứa nên rành rõi, năm sau thành thục hơn năm trước. Chỉ tội mình con nhà nghèo mồ côi, ít quan hệ, lại lớn lên vào thời buổi khó khăn nên tiền lì xì cũng chỉ khiêm tốn thôi.
Cách nay khoảng chừng 20 năm, ngày Tết tôi có dịp ghé thăm ông bạn lớn tuổi cùng cơ quan nay đã mất. Đó là vào thời điểm Huế cùng đất nước hội nhập và phát triển. Con trai của ông bạn tôi tên là Sơn tận dụng vị thế của ngôi nhà ở một kiệt lớn trên đường Nguyễn Tri Phương đã mở một khách sạn mi ni, theo dạng homestay hiện nay. Sơn không có bằng cấp chi cả nhưng giỏi, đọc thông viết thạo, nói lưu loát cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh. Khách sạn lấy tên Bình Dương, chuyện lạ là chỉ đón toàn khách Nhật và khách Tây và thường là bạn của Sơn. Họ chủ yếu là những cô cậu có thú vui đi du lịch nên đã kết bạn với Sơn và cả vợ Sơn nữa (là một cô gái Nhật). Dịp hè hay tết, vài ba anh chị hẹn nhau qua Việt Nam khám phá và ghé lại khách sạn của Sơn nghỉ ngơi, có khi cả tháng trời. Giá cả rất rẻ, lại được sinh hoạt cùng với gia đình.
Là chỗ thân quen nhưng lần ấy tôi thực sự bất ngờ. Mới bước vô nhà, tôi đã nghe tiếng chào thiệt to, giọng lơ lớ, “xin chào ôn năm mới”. Một chàng trai Nhật to khỏe và đẹp trai cúi đầu chào tôi rất lễ phép. Chuyện chi ri hè, sau phút ngỡ ngàng tôi đã hiểu, lịch sự chào lại. Rồi theo chỉ dẫn của chàng trai Nhật tôi tiến vào nhà, ngồi vào chiếc ghế được mời. Chàng trai Nhật lăng xăng rót nước, mở khay bánh mứt mời khách, không quên “chúc ôn năm mới sức khỏe”, nghe thiệt buồn cười. Tôi cũng làm ra dáng đứng bề trên, cám ơn và rút trong túi một bao lì xì. Tôi không nhớ lúc đó mình nói và huấn thị cậu trai Nhật điều gì nhưng nhìn bộ dạng của cậu ta rất trịnh trọng, lắng nghe và luôn mồn, “xin cảm ơn ôn”. Sơn bảo với tôi rằng, khách Tây, khách Nhật thích lắm, nhiều anh chị năm mô cứ vào dịp tết là tìm cách sang Việt Nam ở cả tháng, cùng dọn dẹp nhà cửa đón tết, cùng đi chợ tết, cúng tết và đón khách ngày tết với gia đình. Được thay mặt gia đình tiếp đón, dạ thưa với khách thì thích lắm.
Cũng xin kể thêm một chuyện vui ngày tết cách nay không lâu. Tôi có cô bạn gái dễ thương, bẵng đi cả hàng chục năm không gặp kể từ khi em lấy “dôn” và anh đi cưới vợ, bất ngờ cách nay mấy năm gặp lại nhau. Cũng như tôi, con cái của em giờ cũng đã lớn khôn, đi làm việc cả rồi. Chuyện trò vui vẻ, ân nghĩa đong đầy thế là tết về vội vàng tôi tìm lại ngõ xưa. Em ở cùng gia đình trong một khuôn viên rộng lớn có bà con xúm xít. Vừa mới uống xong ly nước, tôi đã nghe một giọng thưa lanh lảnh: “Con chào bác năm mới…”. Trước mặt tôi là một cô bé dễ thương. Tôi cám ơn, rồi rút vội tờ bạc mệnh giá cao “mừng tuổi cháu”. Em cám ơn, và chạy đi ngay. Lập tức, tôi không thể tin vào mắt mình, gần cả chục đứa trẻ từ bên ngoài kéo vào, cùng đồng thanh: “Chào bác năm mới”... Tôi và cả cô bạn gái nữa lúng túng, vội vàng chào lại và cám ơn. May mà hôm đó, túi quần tôi cũng rủng rỉnh. Thiệt là nhớ mãi không quên dịp Tết năm ấy và cùng đồng vọng trong tôi là hai tiếng “dạ thưa” và lời dạy của ngoại vào đêm 30 Tết mà ngót nghét cũng đã gần 50 năm rồi đi qua.
Đình Nam