Những ngày giáp tết nhiều em nhỏ được phụ huynh đưa lên chơi với các bạn khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn để hiểu được sẻ chia. Ảnh: Y.N
Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, những hình ảnh đưa con đi mua sắm, siêu thị, hay vui chơi ở một không gian nào đó gần như quá quen thuộc. Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh lại đưa con mình tìm về các trung tâm bảo trợ xã hội, cô nhi viện, nơi nuôi dạy trẻ em mồ côi, cơ nhỡ…
Và tất nhiên, nhiều phụ huynh đã lập trình được hành trình khi đưa con em mình đến những không gian như thế, vào những thời khắc ý nghĩa, giao thoa giữa năm cũ và năm mới.
Trời giáp tết nắng se lạnh, chị Nguyễn Thu Hiếu (TP. Huế) vẫn thu xếp một buổi chiều để đưa hai đứa con đang ở độ tuổi tiểu học của mình xuôi về cô nhi viện Ưu Đàm (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang). Ngay khi vừa đến nơi, hai đứa nhỏ mới ngỡ ngàng nhận ra đây là cô nhi viện, nơi chăm sóc những bản nhỏ bằng tuổi mình. Trong hành trang chuyến đi, người mẹ đã chuẩn bị cho hai con mình rất nhiều bánh, kẹo để cùng chia sẻ cho các em nhỏ ở cô nhi viện.
“Ban đầu hai đứa tỏ ra bất ngờ nhưng khi vừa xuống xe các em nhỏ trong cô nhi viện ùa ra cầm tay làm quen, chuyện trò, chẳng mấy chốc là các con đã nhập cuộc với các bạn”, chị Hiếu kể và cho biết, hai đứa con của mình đã cùng nhau chia bánh kẹo cho các bạn xung quanh, rồi hỏi thăm về cuộc sống, những điều tưởng chừng đơn giản nhưng với tụi nhỏ vô cùng quan trọng như ở đây vui không, ăn cái gì ngon, trò chơi gì hay chơi nhất…
Chị Hiếu nói về lý do chọn thời điểm này để đưa con của mình đi đến những nơi như thế với một lý do để giáo dục con. Dù sinh ra ở thành phố, điều kiện sống đầy đủ nhưng luôn nhớ rằng phải biết sẻ chia, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, những phận đời nghiệt ngã giữa cuộc sống.
“Chuyến đi ý nghĩa hơn khi vào dịp cận Tết. Hai đứa về nhà cứ nhắc về mấy bạn ở cô nhi viện, và xin tôi cho quay lại đó để chơi . Cháu cũng không quên dặn mẹ mua theo quà. Chừng ấy thôi tôi cảm thấy vui rồi. Mình vừa giúp con hiểu được giá trị cuộc sống, vừa dạy con được bài học làm người”, chị Hiếu xúc động.
Niềm vui của các em có hoàn cảnh khó khăn khi được sẻ chia. Ảnh: Y.N
Còn với nhà thơ Đông Hà (giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học Huế) làm gì thì làm cũng phải dành một buổi chiều ý nghĩa đưa con mình đến một không gian nào đó cần sự sẻ chia. Những ngày cận kề Tết, chị đã vạch ra kế hoạch và thông báo cho con rằng sẽ cùng lên Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Tây để đón tết sớm cùng những bạn đang sinh sống ở đây.
Ngay lập tức, con gái chị là Nguyễn Thị Ý Nhiên đã háo hức và bảo rằng, thực ra Nhiên đã ấp ủ kế hoạch tổ chức một hoạt động nhỏ để bạn bè mình có thể kết nối với những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế khi được mẹ đề nghị sẽ đến thăm các bạn thì em rất háo hức và rủ thêm những người bạn của mình đến cùng tham gia.
Ý Nhiên tâm niệm, khi lên trung tâm sẽ chơi cùng các bạn không khác gì chơi với người thân. “Em và các bạn của em muốn đem đến một chút tình cảm, đồng thời cũng là sự chia sẻ đối với các bạn ấy. Ấn tượng nhất vẫn là lúc chúng em chơi đùa với nhau và các bạn rất hoà đồng và dễ thương”, Nhiên tâm sự.
Chỉ có bánh kẹo, trái cây và những tiếng hát hò vui chơi nhộn nhịp nhưng chừng ấy thôi đã nói lên được sự chia sẻ, lan tỏa yêu thương. Nhà thơ Đông Hà cho rằng, cuối năm là thời điểm ai cũng nghĩ và hướng về gia đình, và các em nhỏ ở trung tâm cũng vậy, các em rất cần điều đó. Vì thế, chị quyết định đưa con cùng học trò lên chơi để chia sẻ chút ấm áp nhân dịp tết đến xuân về.
Còn với Ý Nhiên và những người bạn, dù đang còn ngồi ghế phổ thông nhưng họ ý thức được một phần may mắn trong bản thân, và biết đem sự may mắn ấy đến với những người thiệt thòi hơn mình. Tất cả chưa dừng lại đó, Ý Nhiên cho biết thời gian tới sẽ lên kế hoạch sắp xếp thời gian để có thể đến thăm các bạn nhỏ ở đó thường xuyên hơn.
NHẬT MINH