Có khi đang là khán giả, hứng chí một cái là giong tay xin ôm micro, thành ca sĩ! Thế nhưng chính những ca sĩ ấy lại được khán giả cỗ vũ cuồng nhiệt nhất. Chừng không kìm được lòng mình, một người đàn ông đã ngoại thất tuần cũng nhảy lên sân khấu. Sau nhạc phẩm tiền chiến mùi mẫn, “ca sĩ” còn nán lại sân khấu để giao lưu cùng khán giả. Nghe giọng Huế đặc sệt, khán giả thú vị nhìn nhau, ai dám bảo dân Huế trầm, dân Huế rụt rè?...

Lượng du khách thăm di tích Huế trong những ngày diễn ra festival tăng ấn tượng

Cứ như vậy chín ngày đêm của Festival Huế 2014, công chúng Cố đô đã cháy hết mình với lễ hội, với các sân khấu cộng đồng. Họ không còn là người “đứng bên lề” mà đã thực sự hoà mình, thực sự là chủ nhân của lễ hội. Đó là một trong ba tiêu chí để khẳng định sự thành công của một festival mà đạo diễn người Pháp Phillippe Bouler đã đề cập: Chương trình nghệ thuật đặc sắc, sự hài lòng của công chúng và nghệ sĩ tham gia. Sức hút của các sân khấu, của các chương trình lễ hội chính là sự khẳng định tính đặc sắc của các chương trình nghệ thuật; nghệ sĩ cháy hết mình và sự hài lòng của công chúng là điều mà ai cũng có thể cảm nhận.

Công chúng phải là chủ nhân của lễ hội, đó cũng là tiêu chí mà ngay từ những ngày đầu những nhà tổ chức của Festival Huế đã hướng tới. Và có lẽ cũng chính vì thế mà công nghệ Festival Huế bao giờ cũng có 2 phần IN và OFF. Trong đó, phần OFF, hay chương trình OFF, chính là để hướng đến quảng đại công chúng. Và qua 7 kỳ tổ chức, đến kỳ thứ 8 vừa rồi, nói như phóng viên Minh Phương của tờ Công giáo Việt Nam tại cuộc họp báo kết thúc Festival Huế 2014: “Chỉ cần nhìn lượng người đổ ra đường thôi cũng biết là Festival Huế đã thành công!”

Trong những ngày diễn ra festival, Huế không còn “mang tiếng” là thành phố đi ngủ sớm. Nhiều nhóm học sinh từ các huyện, thị về Huế học thêm được phụ huynh khuyến khích đi xem festival và bằng lòng cho phép về nhà khuya hơn mọi ngày. Có những đôi vợ chồng đã ngoại bảy mươi, ở cách Huế cả mấy chục cây số vẫn đèo nhau vượt suối băng đèo về Huế “chơi festival cho biết”. Có những viên chức ngày đi làm, tối dẫn vợ con theo sát các sân khấu bởi không muốn bỏ lỡ dịp may được tiếp cận các đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế mà theo họ là “nếu không nhờ festival họ sẽ khó có thể có cơ hội thưởng thức”. Cũng trong những ngày diễn ra festival, lượng cộng chúng, du khách đổ về Huế, đổ về thăm các di tích hàng ngày, và kể cả hàng đêm nữa (Đại Nội, Cung An Định…) tăng một cách ấn tượng…

Tất nhiên, cũng vì vậy mà có tờ báo “than phiền” sau Festival Huế 2014 rằng, không khéo mà Huế đánh mất sự trầm mặc, sự cổ kính, sự yên tĩnh vốn được xem là… bản sắc của Huế. Song, dạng ý kiến như vậy khá ít. Ngược lại, ngay tại cuộc họp báo cuối kỳ festival, nhiều nhà báo đã công khai bày tỏ, họ thấy làm festival là đúng hướng, là cần thiết và họ ủng hộ festival. Cũng có nhà báo chợt… phát hiện: Không có hệ thống di tích thì Huế không thể làm được festival. Chúng tôi lại chợt nghĩ thêm, cũng nhờ làm festival mà di sản Huế, di tích Huế càng toả sáng, càng được quảng bá và càng ngày càng được tôn tạo, nâng niu, gìn giữ. Di sản tạo nền cho Festival Huế và Festival Huế làm sống dậy di sản. Đó là một di sản sống động, một di sản vô cùng gần gũi, vô cùng lợi lạc với cuộc sống hiện tại và tương lai. Vậy thì, Festival Huế, tại sao không?

Hiền An