Các chuyên gia nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học ĐH Huế

Thành công

2018 được xem là năm thành công của ĐH Huế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Chỉ tính riêng giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ (hoạt động được tổ chức 3 năm một lần), ĐH Huế đã có đến 2 đề tài giành giải nhất, 4 giải nhì và 3 giải ba trong tổng số 75 hồ sơ công trình của các đơn vị trong toàn quốc tham dự.

Niềm vui không dừng lại, cuối tháng 7/2018, giải thưởng Nghiên cứu trẻ của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam có thêm tân chủ nhân đến từ ĐH Huế (TS. Trần Viết Nhân Hào, giảng viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế). Đáng nói, tác giả của giải thưởng mới ở tuổi 35 nhưng công trình nghiên cứu được các chuyên gia đầu ngành đánh giá xuất sắc. Theo nhìn nhận của các nhà khoa học, TS. Trần Viết Nhân Hào sẽ còn tiếp tục tạo ra những đóng góp lớn trong hướng nghiên cứu mà anh theo đuổi.

Cán bộ Viện Công nghệ sinh học ĐH Huế vui mừng khi những nghiên cứu thành công

Tuy thành tích không rực rỡ như giảng viên trẻ, song tại giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học 2018 cũng đã có 9 đề tài của sinh viên và nhóm sinh viên thuyết phục được các hội đồng đánh giá. Điều đáng mừng là, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018 có đến 389 đề tài của 88 đơn vị (950 sinh viên) trong toàn quốc tham gia, song những học trò từ các “lò” đào tạo của ĐH Huế đã giành được 1 giải nhì, 5 giải ba và 3 giải khuyến khích. Đặc biệt, với đề tài đạt giải nhì “Tiên lượng biến cố tim mạch chính ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim ST chênh lên được can thiệp động mạch vành qua da thì đầu bằng tỷ số bạch cầu đa nhân trung tính với bạch cầu Lympho”, Đoàn Phạm Phước Long (Trường ĐH Y dược, ĐH Huế) đã vinh dự trở thành 1 trong 55 sinh viên, học sinh tiêu biểu, xuất sắc trên cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tiếp kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Kỳ vọng nhóm nghiên cứu mạnh

Sẽ khó trọn vẹn khi chỉ nói về những giải thưởng, bởi ĐH Huế đang định hướng phát triển theo hướng nghiên cứu. Trong bối cảnh tự chủ, sự kỳ vọng với nghiên cứu khoa học còn là tạo ra nguồn thu cho ĐH Huế. Thống kê của Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ĐH Huế cho thấy, nguồn thu từ khoa học và công nghệ chỉ đạt 3% trong tổng thu toàn ĐH Huế và mục tiêu ĐH Huế phấn đấu là đến năm 2019 – 2020, tăng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm 10 - 15% tổng các nguồn thu của ĐH Huế, đồng thời có ít nhất 8 đến 12 công trình/sản phẩm được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, 5 đến 8 sản phẩm có thương hiệu.

TS. Trần Viết Nhân Hào (áo ca rô), chủ nhân giải thưởng Nghiên cứu trẻ của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam 2018

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, đó không phải là mục tiêu quá tầm khi ĐH Huế đã chuẩn bị rất kỹ, nhất là lập hội đồng tư vấn, xét chọn và công nhận 12 nhóm nghiên cứu mạnh (tháng 9/2018). Các nhóm nghiên cứu mạnh gồm hai loại hình là theo định hướng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là tập thể của những khoa học được tập hợp theo hướng chuyên môn sâu hoặc liên ngành với những điều kiện trình độ hết sức nghiêm ngặt, họ có năng lực thực hiện các nhiệm vụ khoa học tầm vóc quốc gia và quốc tế, đồng thời có nhiều nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nỗ lực đóng góp cho địa phương.

Lâu nay, điểm yếu lớn của các trường ĐH thuộc ĐH Huế là công bố quốc tế trên tạp chí uy tín còn hạn chế và việc thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh là tính toán đầy hợp lý để cải thiện. So với hướng phát triển nghiên cứu khoa học trước đó, ĐH Huế sẽ ưu tiên đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh, nhất là chính sách hỗ trợ cụ thể như hoạt động theo đơn đặt hàng của ĐH Huế, với mức kinh phí 150 triệu đồng mỗi năm. Bù lại, chỉ tiêu đặt ra cho mỗi nhóm là bài báo quốc tế nằm trong danh mục uy tín của thế giới (ISI hoặc Scopus). Theo lãnh đạo ĐH Huế, việc đặt ra chỉ tiêu gắn liền với công bố quốc tế cũng sẽ nâng cao vị thế của ĐH Huế trên bảng xếp hạng các trường ĐH trong khu vực và châu lục.

Tạo được nền móng, rõ ràng cơ hội để hiện thực hóa những mục tiêu kỳ vọng của ĐH Huế trong năm 2019 và các năm tiếp theo sẽ rất lớn. Quan trọng hơn, những thành tựu nghiên cứu khoa học sắp tới hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều hơn cho tỉnh nhà, đồng thời khẳng định lộ trình phát triển ĐH Huế theo hướng nghiên cứu, với tầm nhìn đến 2030 trở thành một trong những ĐH nghiên cứu hàng đầu Đông Nam Á.

“Năm 2018, lượng đề tài được phê duyệt thực hiện khá nhiều, trong đó có 16 đề tài cấp Bộ, 96 đề tài cấp ĐH Huế. Về Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, đã đăng ký sáng chế cho 1 sản phẩm “Cốm tiền liệt thanh giải” của GS.TS. Trần Hữu Dàng (Trường ĐH Y dược, ĐH Huế).

Kết quả chuyển giao của ĐH Huế có dấu hiệu khởi sắc: Sản phẩm Bokashi Trầu của PGS.TS. Nguyễn Quang Linh và Viện Công nghệ sinh học đã chuyển giao cho Công ty Happy Food Đồng Nai với giá trị 600 triệu đồng; 2 sản phẩm trà hoa sen của TS. Nguyễn Văn Huế và măng chua của PGS.TS. Nguyễn Văn Toản (Trường ĐH Nông lâm) đã được thương mại hóa trên thị trường; 4 sản phẩm khác ở Trường ĐH Nông lâm và 3 sản phẩm của Viện Công nghệ sinh học đang chuẩn bị đưa ra thị trường”, PGS.TS. Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ĐH Huế thông tin.

Bài, ảnh: Hữu Phúc