Du khách bất ngờ khi nhận lì xì đầu năm mới

“Chơi” tết Huế

Dịp Tết Nguyên đán, đúng hẹn, sáng mùng 1 tết, tôi có mặt ở homestay Nguyệt Biều (Thủy Biều, TP. Huế) để ghi nhận không khí đón tết của một gia đình người Anh đến Huế du lịch. Trên bàn ăn sáng, ngoài những món ăn hợp khẩu vị của người phương Tây, nhiều món ăn gắn với ngày tết cổ truyền, đặc biệt là hai món bánh chưng và bánh tét cũng được những người tổ chức tour hào soạn để đãi khách. Ngồi vào bàn ăn, những du khách vô cùng ngạc nhiên khi gia chủ mở bánh tét và dùng sợi lạt cột bánh để cắt từng lát bánh mỏng mà vẫn tròn đều. Gia chủ không quên giới thiệu cách chế biến hai loại bánh truyền thống luôn có trong ngày tết của người Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

Ấn tượng với cách dùng lạt cắt bánh, những vị khách cũng trải nghiệm. Những lát bánh tự tay cắt ra và sau đó thưởng thức, ai cũng tấm tắc khen ngon. Du khách Philip’s chia sẻ, lúc tối, gia đình anh được chung vui không khí đón giao thừa với người dân, các con của anh rất thích thú. Thật may mắn khi đến Việt Nam đúng vào dịp tết và biết được đất nước Việt Nam đón tết không náo nhiệt như nước Anh, nhưng ấm cúng, gia đình quây quần bên nhau thật hạnh phúc. Mùi hương trầm phảng phất vào thời khắc cúng giao thừa, tiễn năm cũ và chào đón năm mới khiến những du khách không muốn rời Huế.

Cắt bánh tét bằng lạt khiến du khách bất ngờ tại homestay Nguyệt Biều

Những ngày giáp tết, nghề làm bánh tét ở làng Chuồn nhộn nhịp nay đón thêm những vị khách lạ, đó là những người bạn quốc tế đến Huế du lịch. Du khách Alex đến từ Mỹ tâm sự, thật thú vị, nhà nào cũng làm bánh và làm đúng một kiểu như nhau. Cách gói bánh thật công phu. Tôi nghe hướng dẫn viên bảo sắp đến tết cổ truyền của đất nước bạn, tôi sẽ sắp xếp để ở lại Huế “ăn” tết.

Ngày tết, nhiều du khách lựa chọn tour đạp xe để khám phá tết Huế. Chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty du lịch Nụ Cười Huế cho hay, tour khám phá tết Huế sẽ đưa khách về với chợ phiên Gia Lạc. Tại đây, du khách sẽ dừng lại và ăn sáng bằng những món ăn được bày bán trong phiên chợ; cùng khám phá phong tục mua lộc đầu năm. Sau đó, đoàn khách di chuyển bằng xe đạp về cầu ngói Thanh Toàn để hòa mình với phiên chợ quê đầu năm, với nhiều sản vật của địa phương và thưởng thức buổi trưa với hương vị tết bằng những món ăn dân dã và những món bánh đặc trưng.

Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lưu trú, Sở Du lịch cho biết, đi lễ chùa đầu năm là truyền thống tốt đẹp của người Huế. Với người Huế, đi chùa đầu năm chủ yếu là cầu an, cầu mong sức khỏe và may mắn, không mang nặng tính cầu tài, cầu lộc.

Dịp Tết cổ truyền vẫn còn trong mùa cao điểm khách quốc tế ở Huế. Điểm tham quan mà du khách lựa chọn nhiều nhất vào ngày tết vẫn là Đại Nội. Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thường xuyên tổ chức các hoạt động phục vụ người dân và du khách, như lễ Đổi gác, trình tấu Tiểu nhạc, Đại nhạc, tổ chức các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp tại sân sau điện Thái Hòa...

Tết yêu thương

Năm nào cũng thế, mỗi dịp tết đến, Vietravel - Chi nhánh Huế lại nấu “Nồi bánh chưng xanh – Thắm tình ngày Tết”. Du khách đến Huế những ngày tết ngoài tham quan Huế còn tham gia trao quà tết, những cái bánh được trao đến người khó khăn là những điều mong muốn mang cái tết ấm cho nhiều người dân hơn. Đại diện Vietravel - Chi nhánh Huế cho biết, tết năm nay là lần thứ tư liên tiếp mà chi nhánh triển khai chương trình. Những chiếc bánh được trao đi là nụ cười nhận lại, do đó, chương trình sẽ được duy trì tổ chức thường xuyên trong các năm tiếp theo.

Cho chữ đầu năm hút khách

Anh Trần Đình Minh Đức chia sẻ, với nhiều du khách, họ luôn muốn tìm hiểu về những phong tục, văn hóa khác biệt trong ngày tết ở Huế. Bắt kịp nhu cầu đó, những năm gần đây, các doanh nghiệp đã chủ động tổ chức những tour khám phá chợ quê, chợ hoa ngày tết… Những chợ phiên xa với TP. Huế như chợ phiên Quảng Ngạn, chợ phiên Mỹ Lợi cũng được các doanh nghiệp lữ hành đưa vào lịch trình tour để khai thác.

Những năm gần đây, mỗi dịp tết đến, xu hướng của người Việt đi du lịch lại nhiều hơn. Theo dự báo từ Sở Du lịch, ngoài khách quốc tế, lượng khách nội địa đến Huế trong dịp Tết Kỷ Hợi sẽ tăng khoảng 10- 15%. Các cơ sở lưu trú cũng có nhiều hình thức đón giao thừa, giá cả cũng được yêu cầu niêm yết công khai, giúp du khách có những chuyến đi du lịch an toàn.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, năm nay các hoạt động vui tết được tổ chức sớm hơn, mở đầu cho các hoạt động của ngày tết là lễ dựng nêu đúng vào sáng 23 tháng Chạp, nghi thức quan trọng vào đầu năm mới trong triều Nguyễn được phục dựng. Sau lễ dựng nêu, tại cung Diên Thọ sẽ diễn ra chương trình “Hương xưa bánh tết”, bao gồm biểu diễn ca Huế theo định kỳ, tổ chức các trò chơi cung đình và dân gian, nhất là hội thi gói bánh chưng, bánh tét... Năm nay, đón giao thừa sẽ tổ chức bắn súng thần công và nghệ thuật bắn pháo hoa tầm cao ở Kỳ Đài, hứa hẹn tạo ra điểm nhấn đối với du khách khi đến Huế dịp tết năm nay.

Theo kế hoạch, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc được tổ chức khắp các địa phương trong tỉnh; trong đó, TP. Huế là hạt nhân. Trong các hoạt động chào đón năm mới sẽ bắn pháo hoa tầm cao 1.000 quả tại TP. Huế và 500 quả tại thị xã Hương Trà.

Đức Quang