Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, một trong những điểm du lịch “xanh” thu hút du khách trong nước, quốc tế

Sau khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp, ngành du lịch, dịch vụ được tập trung đầu tư theo hướng khai thác các lợi thế của vùng, trong đó ưu tiên phát triển du lịch và các dịch vụ có thế mạnh về sinh thái, y tế, văn hoá, giáo dục và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Năm 2018, du lịch dịch vụ toàn tỉnh tăng 6,78% so với cùng kỳ. Nhiều công trình dự án, không gian văn hoá phục vụ đời sống, phát triển kinh tế xã hội đi vào hoạt động như tổ hợp Trung tâm thương mại, khách sạn Vincom, Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup, phố đi bộ, đường đi bộ dọc sông Hương... đã làm thay đổi diện mạo đô thị, đời sống người dân. Một số dự án du lịch sinh thái rừng, biển, đầm phá đã và đang được đầu tư với quy mô hàng nghìn tỷ đồng cũng kỳ vọng mở ra một hướng tăng trưởng mới, bền vững.

Công nghiệp (CN) phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp (DN) có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đều được di dời vào các khu, cụm CN và làng nghề; đồng thời, đầu tư thay đổi công nghệ tiên tiến, ít ảnh hưởng đến môi trường; các khu CN, cơ sở sản xuất được thanh tra, kiểm tra việc xả thải, xử lý nước thải. Các ngành CN có giá trị gia tăng cao, CN công nghệ cao được thu hút đầu tư. Kết thúc năm 2018, lĩnh vực này tăng 8,24% so với năm 2017. Trong đó, ngoài những sản phẩm chủ lực đạt tăng trưởng khá, trong năm đã có một số dự án CN quy mô lớn được ký kết đầu tư, đi vào hoạt động, chạy thử như: nhà máy năng lượng điện mặt trời, vật liệu xây dựng, dệt may, chế biến thủy sản, khu liên hợp sản xuất- lắp ráp ô tô...

Nông nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện gắn với giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 41 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phát huy lợi thế của tỉnh có bờ biển dài 128 km và hơn 22 nghìn ha đầm phá, các địa phương đã quy hoạch, xây dựng kế hoạch  phát triển nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản gắn với giữ gìn môi trường và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Để thực hiện có hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh, ngoài tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tâm linh, tỉnh chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển lĩnh vực CN, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, tránh nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với các địa phương trong khu vực. Có thể thấy, trong thời gian qua, khoa học và công nghệ đã có sự phát triển đúng hướng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng sức cạnh tranh của cây trồng, vật nuôi. Một số mô hình, dự án như trồng lúa hữu cơ, rau màu, dưa lưới, thanh trà, lan, cây giống rừng trồng và chăn nuôi lợn siêu nạc, gà siêu trứng... ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đã đem lại kết quả vượt trội.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, năm 2019, tỉnh thực hiện chiến lược phát triển theo hướng chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, phát triển du lịch- dịch vụ, công nghệ thông tin và nâng cao năng suất lao động; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển DN và đổi mới sáng tạo; triển khai dịch vụ đô thị thông minh hướng đến việc quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường, trật tự an toàn xã hội.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN