Thiếu dinh dưỡng và béo phì có thể trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP

Báo cáo đến từ Ủy ban về Béo phì của Tuần san Y khoa Lancet, một hội đồng gồm các chuyên gia về nông nghiệp, kinh tế, nhân quyền và các lĩnh vực khác cho biết, cần khẩn trương có một nguồn quỹ trị giá 1 tỷ USD và những chiến lược hành động nhắm vào chính sách và sản xuất thực phẩm để hỗ trợ y tế, môi trường và sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Gây thiệt hại khổng lồ

Béo phì, thiếu dinh dưỡng và biến đổi khí hậu là hệ lụy bởi các phương pháp sản xuất nông nghiệp, giao thông, thiết kế đô thị và sử dụng đất sẽ gây thiệt hại khổng lồ đối với dân số và hành tinh, Ủy ban nói trên lưu ý.

“Những gì chúng ta đang làm lúc này là không bền vững. Điều duy nhất chúng ta có thể hy vọng là cảm giác cấp bách sẽ rộng khắp. Chúng ta sắp hết thời gian”, ông William Dietz, một tác giả của nghiên cứu, đồng thời là chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Đại học George Washington, Mỹ nói với các phóng viên.

Những khoản trợ cấp của Chính phủ trị giá 500 tỷ USD dành cho các ngành công nghiệp thịt bò, sữa và các loại thực phẩm khác trên toàn thế giới nên được chuyển sang canh tác bền vững, lành mạnh; ngoài ra, 5 nghìn tỷ USD trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch cần chuyển sang năng lượng tái tạo và giao thông bền vững.

3 mối nguy hiểm toàn cầu là chuỗi, do hoạt động sản xuất hàng loạt các loại thực phẩm chế biến sẵn, nghèo dinh dưỡng, gây ra không chỉ tình trạng béo phì và thiếu dinh dưỡng, mà còn cả phát thải khí nhà kính lớn, góp phần gây ra vấn đề biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất và phân phối nông nghiệp đốt cháy các loại nhiên liệu hóa thạch cũng góp phần làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu, kéo theo hạn hán và thời tiết khắc nghiệt.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho hay, nông nghiệp, lâm nghiệp và những hoạt động sử dụng đất đai khác chịu trách nhiệm cho 1/4 lượng khí thải nhà kính làm hành tinh nóng lên.

Cần chính sách phù hợp

Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do các nhà hoạch định chính sách không hành động, ảnh hưởng của những công ty thực phẩm tìm kiếm lợi nhuận lên chính sách công và sự thiếu nhu cầu thay đổi của công chúng, báo cáo tiếp tục nhấn mạnh.

Có thể thấy, trong năm 2016, các công ty sản xuất đồ uống chứa nhiều đường đã chi gần 50 triệu USD để vận động chống lại các sáng kiến ​​của Chính phủ Mỹ trong việc làm giảm mức tiêu thụ đồ uống, được cho là góp phần vào tình trạng dinh dưỡng kém và béo phì.

“Khi sức mạnh thị trường trở thành sức mạnh của ngành công nghiệp, các Chính phủ cũng phải nỗ lực để chính sách được thực thi nhằm chống lại áp lực của ngành công nghiệp”, ông Tim Lobstein, Giám đốc về chính sách của Liên đoàn nghiên cứu chứng Béo phì Thế giới (WOF), một nhóm chuyên nghiệp có trụ sở tại Anh khẳng định.

Theo Ủy ban về Béo phì của Lancet, khoảng 4 triệu trường hợp tử vong mỗi năm có liên quan đến béo phì, và khoảng 815 triệu người bị thiếu dinh dưỡng kinh niên.

Qua đó, một hiệp định quốc tế ràng buộc, tương tự như hiệp định đã đạt được về sự nóng lên toàn cầu trong năm 2015 là điều cần thiết để giải quyết, cũng như cải thiện hoạt động sản xuất và phân phối thực phẩm.

Hồi năm 2015, gần 200 quốc gia đã nhóm họp tại thủ đô Paris của Pháp để thống nhất một hiệp định, cùng các khía cạnh ràng buộc về mặt pháp lý nhằm cắt giảm khí thải nhà kính để chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Gần 1 tỷ người trên thế giới đang đối mặt với cái đói, trong khi 2 tỷ người khác đang ăn quá nhiều thực phẩm không tốt, gây ra tình trạng béo phì, bệnh tim và tiểu đường.

Theo báo cáo “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu” (Global Disease Burden) mới nhất, chế độ ăn uống không lành mạnh chịu trách nhiệm cho 11 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Giáo sư Boyd Swinburn tại Đại học Aukland, New Zealand cho hay: “Suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, bao gồm thiếu dinh dưỡng và béo phì cho đến nay là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sức khoẻ yếu kém và tử vong sớm trên toàn cầu. Cả thiếu dinh dưỡng và béo phì đều được dự báo ​​sẽ trở nên tồi tệ hơn đáng kể do biến đổi khí hậu”.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ Reuters, AFP & SMH)