Anh Chương cắm hoa đón giao thừa. Ảnh: NVCC

Thời buổi công nghệ, tưởng xa mà hóa lại gần. Trưa mùng 1 tết, anh bạn Việt Kiều tên Chương sống cách nửa vòng trái đất gọi điện thoại bằng tính năng video. Do chênh lệch múi giờ nên đến hôm nay, bạn mới đón giao thừa. Trong điện thoại, gương mặt, lời nói của bạn vẫn hồi hộp như giây phút cùng nhau đón giao thừa cách đây non chục năm.

Xa quê hơn 5 năm nhưng tết nào, Chương cũng cùng người thân đón tết Việt ở xứ người. Tết đến là lúc bạn bè, người thân cộng đồng Việt Kiều lại cùng nhau sum họp, hướng về quê hương. “Nhớ nhà chứ, nhớ quê chứ nhưng không phải ai cũng có cơ hội, điều kiện về thăm quê hương vào dịp Tết Cổ truyền. Thời trước, khi công nghệ chưa phát triển. Mỗi lần tết đến lại nhớ bạn bè, bà con xóm làng ở quê da diết. Hiện nay, công nghệ hiện đại, đón tết Việt ở Mỹ thì bà con ở Việt Nam cũng thấy mặt. Anh em, bạn bè chúc mừng, cùng nhau cụng ly qua… điện thoại”, Chương cười.

Chương kể, sống ở Mỹ cách sinh hoạt khác hẳn nhưng nét văn hóa Việt Nam vẫn luôn được lưu giữ, tết đến nhà nhà đều tất bật chuẩn bị để có không khí ấm cúng, đoàn viên. Anh em, bạn bè trong cộng đồng người Việt cũng hẹn hò nhau tập trung lại, cùng nhau chúc mừng bên mâm cỗ đêm 30. “Không như ở Việt Nam, cộng đồng người Việt ở đây sống cách khá xa nhau. Để họp mặt phải có lịch hẹn trước  gặp gỡ nhau tại một gia đình nào đó. Mỗi năm mỗi nhà. Tết đến là dịp anh em, bạn bè cùng quê hương  thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái”, anh Chương chia sẻ.

Tết của Chương và người Việt xa quê sống ở Mỹ cũng như tại Việt Nam. Trên mâm cỗ đêm giao thừa vẫn có bánh chưng, có bánh thuẫn và đầy đủ hạt dưa, mứt gừng, trà. Đặc biệt, vẫn có hoa mai, hoa đào cắm trong trong nhà; mâm ngũ quả cũng đủ đầy cầu, sung, dừa, đủ đủ, xoài. “Đã là người Việt Nam, dù ở đâu cũng giữ nét văn hóa truyên thống, nhất là vào dịp tết. Bàn thờ tổ tiên phải đầy đủ hương khói, hoa quả. Nhiều tục lệ của người Việt Nam cũng được lưu giữ, như lì xì đầu năm”, anh Chương bày tỏ.

Hiện nay, trên thế giới, đặc biệt là ở trời Tây, ộông đồng người Việt ngày càng lớn mạnh. Đó là nơi không chỉ những người cùng quê chia sẻ khó khăn, giúp nhau cùng phát triển mà còn để thế hệ trước dạy dỗ, bảo ban con cháu tiếp nối, lưu giữ truyền thống, văn hóa truyền thống quê nhà.

Nhiều Việt kiều vẫn giữ phong tục gói bánh chưng, bánh tét dịp tết. Ảnh: NVCC

Bà Phan Thị Nga (Việt Kiều Mỹ) nhiều năm định cư ở xứ người. Bây giờ, bà đã ở cái tuổi gần đất xa trời, bà không còn nhớ rõ đã bao nhiều lần đón tết Việt ở xứ cờ hoa nhưng có một điều bà nhớ như in, đó là năm nào bà cũng cùng con cháu, sum vầy gói bánh chưng, bánh tét để cúng tổ tiên. Với bà, đó là bản sắc dân tộc không thể phai mờ. “Thời buổi hiện đại, có nhiều đứa con, cháu của tui sinh ra trên đất Mỹ nên biết rất ít về truyền thống văn hóa của quê hương. Gói bánh chưng bánh tét là cách nhắc nhở chúng nhớ về nguồn cội. Bày chúng là để lưu giữ nét văn hóa này, sau này thế hệ tôi có mất đi thì, con cháu cũng biết đường mà gói”.

Ngoài bánh chưng, bánh tét, bà Nga cùng những người bạn đồng niên sống xa nhà cũng không quên những tục lệ có từ ngàn đời của người Việt như, lễ cúng ông Công, ông Táo đêm 23 tháng Chạp; mâm ngũ quả, mẫm cỗ đêm giao thừa hay mừng tuổi con cháu và cả những món ăn truyền thống của người Việt. “Ở Mỹ cái gì cũng có để làm những món ăn Việt nhưng chế biến sẽ không ngon bằng ở quê hương. Vào những ngày giáp tết, để có đầy đủ nguyên liệu để làm tôi cũng phải nhờ bà con ở Việt Nam mua gửi sang. Gói bánh chưng, bánh tét ở đây chỉ có lá chuối và buộc bằng dây chứ không bằng lạt như quê nhà. Cũng không có cảnh cả gia đình ngồi canh bánh chín suốt đêm. Dù vậy, sửa soạn đầy đủ để đón tết Việt ở xa nhà cũng đã làm ấm lòng những người con xa xứ”, bà Nga trải lòng.

Người Việt đang có những ngày đoàn viên bên gia đình, người thân. Lúc người viết gõ những dòng này cũng là lúc ở đâu đó, nhiều Việt Kiều đang đón giao thừa ở xứ người, rồi chúc nhau sức khỏe, mừng tuổi con cháu, bạn bè và gọi điện về Việt Nam chúc tết người thân.

L.Thọ