Sắc màu ấm áp trong Hoàng cung Huế

Ngày mồng một tết, ngay đầu giờ mở cửa, Hoàng cung (Đại Nội) đã đón nhiều đoàn khách cả trong và ngoài nước. Nhiều gia đình ở Huế đã chọn Hoàng cung là điểm du xuân đầu tiên. Đây là địa điểm rất lý tưởng để vừa tham quan nơi ở và làm việc của triều đại phong kiến cuối cùng của đất nước, vừa “check-in” bằng những khuôn hình rực rỡ, sang trọng.

Chọn Hoàng cung Huế làm điểm du xuân những ngày đầu năm mới, du khách cũng được “đổi món” bằng nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nhiều khung giờ khác nhau, như: Lễ đổi gác, trình tấu tiểu nhạc, các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp, trình tấu đại nhạc, múa lân sư rồng, trình tấu tiểu nhạc, trình diễn võ thuật cổ truyền… Ngoài ra, sau một thời gian tạm ngưng để điều chỉnh, dịp này Trung tâm thực tế ảo với chủ đề “Đi tìm Hoàng cung đã mất” cũng được đưa vào hoạt động, phục vụ miễn phí cho du khách.

Một gia đình nhiều thế hệ cùng tham quan và chụp ảnh trong Hoàng cung Huế

Theo sử liệu, ngày được coi là tết của Hoàng cung triều Nguyễn bắt đầu từ mùng Một tháng Chạp (năm cũ) với nghi lễ đầu tiên là lễ ban sóc (phân phát lịch) ở Ngọ Môn và tiếp theo đó là rất nhiều nghi lễ khác. Tết trong Hoàng cung Huế gồm 2 phần: Tết của triều đình lo cho thần dân và nghi lễ Tết của hoàng gia trong Tử Cấm Thành. Tết triều đình tổ chức cho thần dân rất trọng thể, linh đình và kéo dài trong nhiều ngày.

"Đoàn lính" hồi cung sau lễ đổi gác.

Mùng một tết, trống ở điện Thái Hòa đánh từ canh năm. Lá cờ rồng cỡ lớn và nhiều loại cờ khánh, hỉ với nhiều màu sắc cắm rợp sân Đại Triều, Ngọ Môn, Kỳ Đài. Sau lễ khánh hạ (mừng tuổi vua), vua ban yến tiệc đầu năm cho các hoàng tử, hoàng thân và các quan từ ngũ phẩm (quan văn), tứ phẩm (quan võ) trở lên tại điện Cần Chánh hoặc nhà Tả Vu, Hữu Vu. Ngày mùng hai tết, vua lại ban yến tiệc tiếp cho các quan từ ngũ phẩm trở xuống, quan trấn, quan tổng.

Du khách Thái  rạng rỡ trong trang phục áo dài truyền thống của người Việt

Ngày nay, Tết trong Hoàng cung không còn những buổi yến tiệc mừng năm mới, nhưng không vì thế mà không gian di tích này trở trầm lắng, u tịch và cách biệt. Ngay từ ngày 23 tháng Chạp, lễ dựng nêu được phục dựng theo nghi lễ cung đình xưa đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện trang trọng ở nhiều điểm, như Thế Miếu, Triệu Miếu, điện Long An… Phục vụ khách tham quan, hàng ngàn chậu hoa, cây cảnh cũng được Trung tâm chủ động nhân giống, ươm trồng để trang trí ở tất cả các điểm lăng, tẩm và Hoàng cung.

Hấp dẫn trò chơi xăm hường

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy Hà đều sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Là con dâu Huế, mỗi năm có dịp đón mừng năm mới ở Huế, chị Hà luôn cùng chồng đưa các con vào thăm Hoàng cung trong buổi sáng mồng Một tết. Chị xúc động: Mỗi lần vào đây, mình đều cảm nhận được sự cổ kính và thiêng liêng ở không gian này. Huế là cội nguồn, là quê hương của các con nên mình luôn muốn các con cũng cảm nhận được sự thiêng liêng này. Đó cũng là cách để các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn.

Nhóm khách Pháp thân thiện

Đoàn khách Pháp 4 người, ngay khi đồng ý chia sẻ cảm xúc đầu năm mới đã rất cố gắng để nói tròn môi câu “Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Việt. Người đàn ông đứng tuổi vui vẻ: “Ngay khi bước vào đây, chúng tôi cảm nhận được sự bình an, trong lành và không khí lễ tết rực rỡ. Điều đó khiến chúng tôi cảm nhận được sự nồng nhiệt, thân thiện và ấm áp của con người xứ này".

Phục dựng nghi lễ đổi gác trước Ngọ Môn

Bài, ảnh, clip: Đồng Văn