Trong bộ áo quần kẻ sọc, nhưng khác với hình dung của chúng tôi về “chân dung” chán nản, buồn bã, tự ti… của một người tù, Phát mỉm cười thật tươi với người đối diện. Sau chút e dè, Phát mạch lạc kể lại ngày định mệnh: “Tốt nghiệp Trường Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, tôi trở thành kiến trúc sư. Rời quê hương Đà Nẵng, tôi ra Hà Nội làm việc. Tại đây, tôi và một cô sinh viên người Hà Nội gặp gỡ rồi yêu nhau, tính đến lúc bạn gái tôi ra trường, có việc làm thì sẽ tổ chức đám cưới. Dịp Tết năm 2006, tôi về Đà Nẵng ăn tết cùng gia đình. Ngày 26 Tết, sau khi nhậu nhẹt, tôi cùng bạn bè đi hát karaoke. Khi ra quầy tính tiền, một thanh niên lạ nhầm tưởng tôi là nhân viên của quán, buông những lời hách dịch khó nghe. Nếu tỉnh táo, có lẽ tôi sẽ có cách xử sự khác, nhưng lúc đó tôi đã say mèm, nên tức khí lớn tiếng đôi co. Trong lúc cãi cọ, tôi đã đâm người thanh niên lạ đó. Anh ta bỏ chạy ra đường, còn tôi cũng bỏ về. Hôm sau, khi đã tỉnh rượu, cũng là lúc tôi sợ hãi khi người bạn đi cùng nhóm hát karaoke gọi điện thoại báo tin, người thanh niên bị tôi đâm đã thiệt mạng”.

Hốt hoảng, Phát xách va ly chạy trốn ra Hà Nội. “Tuy nhiên, tôi biết mình không thể nào trốn tránh pháp luật. Gia đình, người thân cũng động viên tôi quay về, một mặt cam kết với cơ quan Công an là tôi sẽ tự ra trình diện. Thời gian chạy trốn, tôi rã rời vì nỗi day dứt, bàn tay mình đã vấy máu, tước đoạt mạng sống của một người - điều đáng sợ mà tôi không bao giờ nghĩ đến”. Cũng chính sự ân hận, day dứt này khiến người thanh niên trót lầm lỗi quyết định trở về, chịu trách nhiệm về điều mình đã gây ra, dù biết sự trả giá sẽ rất khủng khiếp. “Ăn bữa cơm cuối cùng với gia đình xong, tôi đến cơ quan Công an. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng khi nghe tòa tuyên 16 năm tù, tôi vẫn bủn rủn gần như đứng không vững. Được đưa đến trại này (Trại giam Bình Điền) để chấp hành hình phạt, tâm trạng tôi chán nản tuyệt vọng vô cùng. Cứ tưởng, cuộc đời coi như chấm hết, tình yêu và sự nghiệp tiêu tan, bởi tôi đã tự “chôn” mình vào “thế giới tù tội”. Nhưng hoàn toàn không phải thế”. 

Một ngày, vài ngày. Một tháng, vài tháng… Phát nhận ra thời gian không còn lê thê mà cũng hối hả với công việc hàng ngày, những người cùng cảnh như mình được phân công. “Làm việc là cách tốt nhất khiến những người như tôi cảm thấy được sống như những ngày bình thường “ngoài kia”. Bên cạnh đó, cán bộ quản giáo của trại luôn gần gũi, nhắc nhở, động viên chúng tôi cải tạo tốt, để sớm được trở về với gia đình. Những lần chúng tôi được xét, giảm án chính là phần thưởng quý, cụ thể hóa lời động viên đó. Điều này chính là động lực để bản thân tôi và nhiều người khác cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, sửa chữa lỗi lầm, sớm được trở về với gia đình. Sau này, tôi sẽ trở lại với chuyên môn yêu thích của mình, hòa nhập với cộng đồng, xã hội”. Ông Phan An, Giám thị Trại giam Bình Điền cho hay, N.S.Phát là một trong những người đang thụ án cải tạo, nỗ lực rất tốt, nên có thể tin những điều Phát ấp ủ và hy vọng sẽ trở thành hiện thực. Ông cũng cho hay, dịp 30/4 này, nhiều phạm nhân cải tạo tốt sẽ được giảm án…

Quỳnh Anh