Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT), năm 2018, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến rất phức tạp, cực đoan, vượt nhiều mốc lịch sử, thiệt hại kinh tế ước tính 146 tỷ USD.
Thiên tai ngày càng tiềm ẩn nhiều yếu tố dị thường
Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, tình hình thiên tai năm 2018, không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường, xảy ra sớm và kết thúc muộn so với nhận định từ đầu năm của cơ quan dự báo; xảy ra trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, 14 cơn bão và ATNĐ, 212 trận dông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 09 đợt gió mạnh trên biển; 04 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng điển hình là:
Mưa lớn đặc biệt lớn (có nơi trên 635mm/24h) xuất hiện sớm (ngay từ cuối tháng 6) và kết thúc muộn (cuối tháng 12, đầu tháng 1/2019) trên diện rộng gây lũ quét, sạt lở đất tại Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá (mưa 318mm/3 ngày) và tại Khánh Hoà; gây ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng tại các đô thị lớn (Đà Nẵng, Tam Kỳ, Nha Trang,…).
Lũ lớn trên BĐ3 (3 đợt) và vượt mức lịch sử trên nhiều sông nhỏ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhất là sông Bứa tại Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ và sông Bùi tại Chương Mỹ, nước đã tràn đỉnh đê hoặc phải chống tràn trên diện rộng; thuỷ điện Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An đã phải xả lũ lớn nhất từ trước tới nay; các hồ lớn ở Bắc Bộ đã phải xả ngay từ thời kỳ lũ sớm (ngay từ cuối tháng 6).
Bão, ATNĐ xuất hiện muộn tại các tỉnh phía Nam với những diễn biến phức tạp, khó dự bão đặc biệt là bão số 9 khi trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu – Tiền Giang duy trì gió mạnh cấp 8-9 tới 9 giờ và hầu như không di chuyển.
Lũ thường nguồn ĐBSCL đến sớm khoảng 10 ngày, kéo dài ở mức cao nhất từ năm 2011 đến nay, uy hiếp toàn bộ hệ thống đê bao, bờ bao và ảnh hưởng đến trên 1 triệu hộ dân; lũ kết hợp triều cường làm mực nước vượt lịch sử tại Cần Thơ, Mỹ Thuận, Mỹ Tho gây tràn và vỡ nhiều tuyến đê bao, bờ bao.
Sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, ĐBSCL với 2.055 điểm/2.710 km, trong đó 136 điểm/333,2 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Ngoài ra, dông lốc, sét, mưa đá, gió mạnh trên biển, rét hại, bằng giá,…. cũng gây thiệt hại đáng kể với tổng cộng 49 người chết và mất tích (so với 29 người năm 2017).
Công tác dự báo, ứng phó thiên tai còn nhiều hạn chế
Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT chỉ ra những tồn tại hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai hiện nay đã góp phần dẫn đến những hậu quả đó là: Công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu PCTT ngày càng cao của xã hội, nhất là dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất;
Nhận thức của các cấp chính quyền, ý thức của người dân về PCTT ở một số nơi còn hạn chế, nhiều trường hợp sự cố đáng tiếc do xây dựng cơ sở hạ tầng, khu vực sản xuất thiếu quan tâm đến yếu tố thiên tai;
Bên cạnh đó bộ máy quản lý nhà nước, kiểm soát an toàn thiên tai, kiểm soát việc thực thi pháp luật về phòng chống thiên tai còn thiếu, yếu, nhất là ở cấp tỉnh, huyện, xã; cơ sở dữ liệu, công cụ quản lý, hệ thống giám sát, nhất là giám sát trực tuyến còn chưa đầy đủ, đồng bộ.
Chưa có Trung tâm chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai chuyên nghiệp ngang tầm các nước trong khu vực.
Thiên tai ngày càng biến đổi và gây hậu quả nặng nề.
Việc lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp lồng ghép phù hợp, hiệu quả nhất là lồng ghép trong xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội.
Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT cho rằng quy định, chế tài về kiểm soát an toàn thiên tai còn thiếu, nhất là kiểm soát an toàn thiên tai đối với công trình hạ tầng, khu đô thị, khu dân cư tập trung, đường giao thông xây dựng mới. Quy trình tiếp nhận viện trợ, hàng hóa còn phức tạp, không kịp thời, giảm hiệu quả sử dụng; Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp, đặc biệt là nhà cửa của người dân vùng ven biển; Việc huy động nguồn lực, tổ chức khắc phục hậu quả còn chậm, nhất là cấp phát, quản lý sử dụng kinh phí hỗ trợ từ dự phòng ngân sách của Trung ương.
Kinh phí phòng chống thiên tai chưa được quy định trong mục lục ngân sách nhà nước, hoạt động phòng ngừa còn phải vận dụng các quy định khác để thực hiện. Hợp tác chia sẻ thông tin với các nước thượng nguồn còn hạn chế, nhất là trong tình huống lũ, bão phức tạp.
Kiểm soát khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát, sỏi, xây dựng lấn chiếm lòng sông, bãi sông còn nhiều bất cập.
Công tác phòng ngừa thiên tai, nhất là các hoạt động phòng ngừa phi công trình cần được đặc biệt quan tâm, tập trung triển khai đồng bộ, mạnh mẽ.
Ứng phó với thiên tai phức tạp cần sự chung tay của toàn xã hội
Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên thường trực, Chánh Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương về Phòng chống thiên tai cho rằng: “Để khắc phục những hạn chế nêu cần huy động cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tổ chức triển khai đồng bộ, bài bản các hoạt động phòng chống thiên tai từ giai đoạn phòng ngừa, ứng phó đến khắc phục hậu quả đạt được nhiều kết quả quan trọng. Xác định rõ định hướng các nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới và được thể chế thành Nghị quyết của Chính phủ”.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, trong thời gian tới cần phải tập trung đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, tập trung triển khai các chương trình, dự án đầu tư, tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, hệ thống cảnh báo đa thiên tai, công trình chống ngập đô thị lớn, các dự án ODA về phòng chống thiên tai…
Một yêu cầu cấp thiết là cần xây dựng Trung tâm điều hành phòng chống thiên tai Quốc gia đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng trở nên khốc liệt…
Bên cạnh đó cần xây dựng kế hoạch chương trình tổng thể phòng chống thiên tai các khu vực: miền núi phía Bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất); miền Trung, Tây Nguyên (Nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt với khu vực ít xảy ra bão) và triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về đồng bằng sông Cửu Long.
Triển khai việc thành lập, quản lý thu, chi quỹ phòng, chống thiên tai trên cơ sở Nghị định sửa đổi Nghị định 94.
Trước tình hình thiên tai biến đổi từng giờ, từng phút, cần ngay lập tức ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng như: Cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big data) về phòng chống thiên tai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo, điều hành PCTT. Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo truyền tin thiên tai tới nhân dân; tăng cường hệ thống truyền tin về thiên tai tại cơ sở; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo (kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại và phương thức truyền thống tại cơ sở) nhằm đưa thông tin tới tận người dân, nâng cao năng lực cộng đồng; phát triển phần mềm chia sẻ, trao đổi kiến thức trên điện thoại, trò chơi về PCTT; tiếp tục tổ chức các cuộc thi phim, phóng sự, câu truyện truyền thanh, chuyển thể dưới dạng kịch,…
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng và thủy văn Quốc gia cho biết: “Chúng ta đều biết tình hình thiên tai ngày càng diễn biến gần như không theo quy luật, những hình thái thời tiết khắc nghiệt càng ngày diễn ra nhiều hơn. Người dân cần theo dõi kỹ các tin dự báo, cảnh báo về thời tiết và thiên tai để điều tiết cho phù hợp. Ngoài ra những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, nắng nóng,...chúng tôi cũng gửi những thông tin đó sang Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai Quốc gia thì sẽ có những cảnh báo, dự báo phương án di dời hay những ứng xử cho phù hợp để người dân tuân theo những phương án đó. Nếu người dân theo dõi thông tin thời tiết, thông tin dự báo cảnh báo thiên tai thì cần cập nhật liên tục, không nên dùng những thông tin từ nhiều ngày trước để lên kế hoạch hoạt động hay đi xa thì sẽ thiếu chính xác và không hiệu quả vì tình hình thời tiết và thiên tai biến đổi theo từng giờ và từng ngày...”.
“Để hạn chế hậu quả mà thiên tai gây ra và vì môi trường chung tôi mong mọi người hãy có những hành động vì môi trường chung, tránh làm tác động xấu đến môi trường thiên nhiên vì nếu không có sự chung tay góp sức của tất cả mọi người mà cứ hành động ích kỷ, vì lợi ích riêng mà gây hại cho toàn xã hội thì càng làm cho quá trình biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, khôn lường hơn và hậu quả nặng nề hơn”, ông Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ.
Theo VOV