Đồng bảng Ai Cập. (Nguồn: egypttoday.com)

Phóng viên TTXVN thường trú tại Cairo cho biết, theo kế hoạch, CBE sẽ từng bước đưa vào lưu thông một số loại tiền bằng chất liệu polymer, bắt đầu với mệnh giá 10 bảng Ai Cập nhằm thử nghiệm mức độ chấp nhận trên thị trường tiền tệ trong dài hạn. 

Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng việc Ai Cập chuyển đổi sang sử dụng đồng nội tệ bằng chất liệu polymer sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế nước này. 

Quyết định của CBE phát đi một thông điệp khẳng định Ai Cập sẽ bắt đầu một kỷ nguyên kinh tế mới, đem lại sự thịnh vượng cho tất cả người dân nước này vào năm 2020. 

Bên cạnh đó, tiền polymer có rất nhiều lợi ích như vòng đời sử dụng dài hơn so với tiền giấy giúp giảm chi phí thay thế tiền cũ, đồng thời khó bị làm giả hơn. 

Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Liên đoàn Arab (AL) Mahmoud Fath-Allah cho rằng quyết định phát hành đồng nội tệ dưới dạng polymer là một lựa chọn rất có lợi cho kinh tế của Ai Cập. 

Hiện,quốc gia Bắc Phi này là một trong những nước có mức độ sử dụng tiền mặt cao trên thế giới, với nhiều giao dịch hàng ngày được sử dụng bằng tiền mặt. Vì thế, nếu tiếp tục sử dụng tiền giấy, Ai Cập sẽ phải dành nhiều chi phí hơn để thay thế tiền cũ sau một thời gian sử dụng. 

Chia sẻ quan điểm trên, nhà kinh tế Esraa Ahmed tại Công ty dịch vụ tài chính SHUAA Capital đánh giá quyết định sử dụng tiền polymer của Ai Cập là một động thái tích cực hướng tới một hệ thống tiền tệ hiệu quả hơn, đồng thời sẽ không gây ra sự xáo trộn lớn đối với nền kinh tế. 

Australia là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành tiền polymer vào năm 1988. Sau đó, nhiều nền kinh tế trên thế giới cũng chuyển dần sang sử dụng tiền dưới chất liệu này.

Hiện, có hơn 30 quốc gia trên thế giới sử dụng tiền polymer, trong đó có Việt Nam./.

Theo Vietnam+