Lễ hội đua thuyền truyền thống làng chài dưới chân đèo Hải Vân đã có lịch sử hơn 300 năm

Đã thành thông lệ, đúng ngày mồng 6 tết, người dân địa phương và du khách thập phương lại nô nức đi xem lễ hội đua ghe truyền thống đã có lịch sử hơn 300 năm ở vịnh Lăng Cô. Gắn bó với đời sống sinh hoạt của ngư dân nơi đây từ nhiều đời nay, lễ hội đua thuyền đã trở thành phong tục và mang nét đẹp văn hóa của làng chài An Cư Đông nổi tiếng nằm dưới chân đèo Hải Vân.

Lễ hội đua thuyền ở Lộc Vĩnh cũng có bề dày truyền thống, trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân địa phương mỗi dịp tết đến xuân về.

Cả hai lễ hội đều cầu nguyện cho một năm đánh bắt thủy hải sản thành công, mưa thuận gió hòa, biển lặng sóng êm, mùa màng bội thu, ra khơi tràn đầy cá tôm; qua đó, giúp kinh tế địa phương phát triển.

Tăng tốc về đích

Theo ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Lộc, riêng với Lăng Cô, nhiều năm qua, lễ hội thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia khi đến Lăng Cô du lịch vào dịp đầu năm, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của điểm đến được mệnh danh là vịnh đẹp thế giới. Lễ hội đua thuyền truyền thống được duy trì vừa giữ gìn bản sắc vừa làm phong phú thêm các loại hình văn hoá cổ truyền của dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch đến với Lăng Cô nhiều hơn trong thời gian đến.

Sau lễ hội đua thuyền sẽ bắt đầu năm đánh bắt thủy hải sản mới của ngư dân, với đội tàu đánh bắt gần bờ và xa bờ, ngư dân Lăng Cô cũng như Lộc Vĩnh sẽ nỗ lực vươn khơi xa, góp phần khẳng định chủ quyền, bảo vệ an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Kết quả lễ hội đua thuyền ở thị trấn Lăng Cô: Ban 5 giành giải Nhất, Ban 3 giành giải Nhì, ban 4 giành giải Ba; lễ hội đua thuyền ở Lộc Vĩnh: Phú Hải giành giải Nhất và Cảnh Dương giành giải Nhì.

Tin, ảnh: Đức Quang